Vào chiều ngày 10 tháng 02 năm 2014, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ NN&PTNT đã chủ trì phiên họp tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm năm 2014 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm.
Tại cuộc họp này, Cục trưởng Cục thú y Phạm Văn Đông đã tóm tắt tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới trong năm vừa qua. Trong năm 2014, các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 158 xã, phường của 93 huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố, có 212.600 con mắc bệnh, trong đó số chết là 101.900 con. So với cùng kỳ năm 2013, số ổ dịch vi rút H5N1 và số gia cầm bị chết, phải tiêu huỷ tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên số gia cầm mắc bệnh, chết là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0.017% so với tổng đàn gia cầm trong năm của cả nước. Đã có sự xuất hiện của cúm A/H5N6 ở rải rác một số tỉnh miền núi phía bắc và miền trung. Hiện nay, chưa phát hiện sự lưu hành của cúm A/H7N9 ở Việt Nam.
Trong năm 2014, cả nước đã xuất hiện 81 ổ dịch lở mồm long móng tại 81 xã thuộc 31 huyện, thị xã của 13 tỉnh làm 2978 con gia súc mắc bệnh, trong đó có 172 con bị chết và tiêu huỷ. So với năm 2013, dịch lở mồm long móng xảy ra ở diện hẹp hơn, số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh giảm gần 2 lần, số gia súc phải tiêu huỷ giảm gần 7 lần, dịch chủ yếu trên trâu bò.
Năm 2014 có 29 tỉnh báo cáo các trường hợp chó nghi mắc bệnh dại và đã tiêu huỷ 128 con chó nghi mắc bệnh dại. Trên người, đã có khoảng 333.343 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng và đã có 61 người tử vong tại 29 tỉnh, thành phố, giảm 31 người so với năm 2013.
Đặc biệt đối với bệnh lợn tai xanh, từ tháng 7/2013 đến nay, dịch đã được khống chế và hiện cả nước không còn tỉnh nào có dịch tai xanh.
Trong thời gian tới, nguy cơ các dịch bệnh vẫn tiếp tục là mối đe doạ lớn, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ gia cầm sang người, vì vậy các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải chuyển từ bị động sang chủ động, hướng tới giảm thiểu các loại bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm lây lan sang người, từ đó góp phần vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng phương pháp tiếp cận Một sức khoẻ trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh sự phối hợp của các Bộ, ngành thành viên, yếu tố quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Thực tế thời gian qua cho thấy, các ổ dịch vừa qua xảy ra nhỏ lẻ và được địa phương phát hiện và xử lý kịp thời nên không lây lan trên diện rộng.
Ông Phạm Văn Đông cho biết, ngành Thú y sẽ tập trung chỉ đạo hệ thống làm từ cấp cơ sở lên từ đó phát hiện những tồn tại, bất cập để kịp thời khắc phục. Bởi thực tế kiểm tra thời gian qua cho thấy, khi các hộ chăn nuôi, cán bộ thú y tuyến xã, huyện làm tốt thì công tác phòng chống dịch ở địa phương và Trung ương rất hiệu quả./.