Việt Nam

HỢP TÁC GIẢM CẦU THỊT THÚ RỪNG

HỢP TÁC GIẢM CẦU THỊT THÚ RỪNG

Trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp và triền khai Khung đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người, ngày 28/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đồng chủ trì Hội thảo truyền thông với chủ đề “Vai trò của các tổ chức Phi chính phủ (NGO) trong nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người”.

Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ 90 cơ quan trong nước và quốc tế, trong đó có sự tham gia của các đối tác ký kết, bao gồm 03 Bộ và các đối tác phát triển song phương và đa phương, đặc biệt là sự có mặt của gần 40 tổ chức NGO. Hàng trăm đầu cầu tham dự trực tuyến từ 23 tỉnh thành trong cả nước bao gồm đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở y tế, và hệ thống Chi cục thú y và chăn nuôi, các Vườn Quốc gia cùng các đối tác và mạng lưới quốc tế về Một sức khỏe (MSK).

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, thay mặt cho Cơ quan chủ trì Khung Đối tác MSK cho biết nhiệm vụ của Hội thảo lần này là hỗ trợ triển khai một số mục tiêu của Khung Đối tác MSK giai đoạn 2021-2025 được ký kết ngày 23/3/2021, theo cơ chế đồng chủ trì của 03 Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Tài nguyên và Môi trường) ký với 29 đối tác phát triển, cụ thể (1) Huy động nguồn lực và trí thức từ các NGO để ngăn chặn rủi ro dịch bệnh nguy hiểm từ động vật hoang dã (ĐVHD); (2) Tạo khuôn khổ, diễn đàn đối thoại cho các NGO và phối hợp đa ngành nhằm giàm thiểu nguy cơ phát sinh và lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người; (3) Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông “giàm cầu thịt thú rừng”. Đây cũng là nội dung của “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị” do WWF-Việt Nam phát động, cho thấy rất phù hợp với mục tiêu của Khung đối tác MSK nói trên.

Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của các NGO trong nỗ lực phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người nói chung của Khung đối tác MSK và nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm và lây truyền bệnh dịch từ việc ăn thịt thú rừng nói riêng. Các tổ chức NGO (WWF, WCS, FHI360, Save Việt Nam’s Wildlife, OUCRU, TRAFFIC, Four Paws, PanNature, ILRI, IRD, Woolcock…) trình bày các chiến dịch, kế hoạch, chương trình hành động của tổ chức mình nhằm thực hiện Khung đối tác MSK và nêu cao tinh thần, trách nhiệm và sứ mệnh của các tổ chức NGO trong nỗ lực vì sức khoẻ cộng đồng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về an toàn thực phẩm, giảm cầu và kêu gọi công chúng nói không với tiêu thụ thịt thú rừng.

Về phần mình, Ông Bill Possiel, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị kêu gọi các tổ chức NGO và các bên liên quan cùng hợp tác chung tay hành động nhằm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu thụ thịt thú rừng trong các tầng lớp xã hội Việt Nam. Thực tế đã chứng minh bệnh truyền nhiễm tử động vật có thể lây sang người, không ăn thịt rừng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ các nguồn gen ĐVHD quý hiếm. Cụ thể, hưởng ứng cách tiếp cận Một sức khỏe, ngày 21/10 vừa qua, WWF-Việt Nam đã phát động chiến dịch truyền thông giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về các rủi ro nghiêm trọng khi ăn thịt rừng, từ đó họ có thể tự quyết định thay đổi hành vi của mình vì sức khỏe của chính họ và cộng đồng. Chiến dịch cũng hướng đến các đối tượng công chúng nói chung nhằm thay đổi quan niệm xã hội, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các đại dịch tiếp theo. Chiến dịch được thử nghiệm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nơi việc tiêu thụ thịt thú rừng đang diễn ra phổ biến.

Theo ông, mỗi tổ chức NGO, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức xã hội nghề nghiệp đều có vai trò quan trọng và thế mạnh chuyên môn riêng. Tuy nhiên chỉ khi cùng hợp tác trong chương trình MSK của Việt Nam mà nòng cốt là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ TNMT, chúng ta mới có thể thành công trong công cuộc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ các loài hoang dã cũng như bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

Hội thảo nhấn mạnh, Khung đối tác MSK được quản lý theo phương pháp có sự tham gia, chủ thể chính là các đối tác, các NGO, các tổ chức dân sự xã hội, tư nhân, phối hợp với các cơ quan chính phủ của Việt Nam, dưới sự điều phối, kết nối của Văn phòng Điều phối MSK để Khung đối tác được thực hiện thuận lợi, phù hợp với nhu cầu và tình hình thế giới và Việt Nam về hợp tác MSK; Khẳng định sử dụng phương pháp tiếp cận MSK.

Trong thời gian tới, các Bên đều mong muốn thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực thuộc MSK trong mối tương tác giữa con người, động, thực vật và môi trường sinh thái, cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người. Đặc biệt là cam kết tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về tiêu thụ thịt thú rừng. Các NGO cũng đề xuất các giải pháp phối hợp, các hoạt động và chương trình nhằm giải quyết những hạn chế và tồn tại của các quy định hiện hành liên quan đến dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là dịch bệnh từ chuỗi cung ứng ĐVHD nhằm đảm bảo sự tham gia đa ngành và thống nhất các bên liên quan.

Về phía các Đối tác phát triển, các Đại sứ quán và cơ quan phát triển Mỹ, Pháp.., các tổ chức quốc tế WHO, FAO, UNDP.., đều cam kết cao đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD, phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người theo phương pháp tiếp cận MSK nhằm thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể quốc gia về MSK, giai đoạn 2021-2025.

 

Với sự tham gia tích cực của trên 90 cơ quan thuộc các Bộ, Ban ngành của Chính phủ Việt Nam và các Đối tác phát triển quốc tế và trong nước, 23 tỉnh thành tham dự trực tuyến, hàng trăm điểm cầu khác ở quốc tế; trên tinh thần hợp tác, xây dựng, sự chuẩn bị chu đáo của 02 cơ quan đồng chủ trì Hội nghị (Bộ NN&PTNT và WWF-Việt Nam), Hội nghị đã diễn ra trong không khí đóng góp, cởi mở và thành công tốt đẹp.

Thông tin truyền thông vui lòng liên hệ:

Bà Nguyễn Thái Bình

Quản lý chiến dịch, WWF-Việt Nam

Điện thoại:+84 902 58 59 89

Email: binh.nguyenthai@wwf.org.vn

Bà Vũ Thị Phượng

Điều phối viên Đối tác MSK, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT

Điện thoại:+84 904 24 07 83

Email: vuphuonghtqt@gmail.com

Và truy cập đường dẫn bên dưới để biết thêm thông tin về chiến dịch

#WWF #WWFVietNam #ZeroWildMeat #KhôngĂnThịtRừng