Việt Nam

Huy động hợp tác đa ngành và nguồn lực quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Huy động hợp tác đa ngành và nguồn lực quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Cuộc họp lần 1 Nhóm công tác kỹ thuật An toàn thực phẩm (ATTP) trong khuôn khổ Khung Đối tác Một sức khỏe được tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Sơn. 

 

 

Sáng 28/9, Bộ NN-PTNT - cơ quan chủ trì chính Khung đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người, phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc tế tổ chức Cuộc họp lần 1 Nhóm công tác kỹ thuật An toàn thực phẩm (ATTP) trong khuôn khổ Khung Đối tác Một sức khỏe đa ngành do Bộ Y tế, Bộ TN-MT; Bộ NN-PTNT đồng chủ trì.

Hội thảo nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ATTP trong khuôn khổ Khung Đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người.

Nhóm Công tác kỹ thuật ATTP ban đầu được thành lập năm 2015, là kết quả của quá trình tương tác giữa các đối tác phát triển (các ngân hàng phát triển và các tổ chức nghiên cứu bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Cao ủy Canada, Đại sứ quán New Zealand, Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), các tổ chức thuộc khu vực tư nhân cùng với Chính phủ Việt Nam được đại diện bởi Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương. Hiện nay, Nhóm được thống nhất dưới sự vận hành của Khung Đối tác Một sức khỏe.

Ông Fred Unger, Trưởng đại diện Viện Chăn nuôi quốc tế khu vực Đông Nam Á thông tin, nhiệm vụ của Nhóm Kỹ thuật ATTP là cơ chế để tập hợp các bên liên quan, chia sẻ, đề xuất các kinh nghiệm, sáng kiến, tăng cường hơn nữa sự phối hợp đa ngành, hợp tác đa bên vì Một sức khỏe, cụ thể ở đây là đảm bảo ATTP cho con người, vật nuôi và bảo vệ hệ sinh thái theo mục tiêu của Khung đối tác Một sức khỏe và phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc đối với Hệ thống thực phẩm toàn cầu theo 3 tiêu chí gồm con người (nuôi dưỡng sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người), hành tinh (sản xuất hài hòa với thiên nhiên) và thịnh vượng (phục hồi toàn diện, mang tính chuyển đổi và công bằng).

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban thư ký đối tác Một sức khỏe phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Sơn. 
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban thư ký đối tác Một sức khỏe phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Sơn. 

Chủ trì tại Hội nghị, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban thư ký đối tác Một sức khỏe, cho biết, Việt Nam có hệ thống các văn bản pháp quy về ATTP khá đầy đủ, tuy nhiên, khó khăn luôn nằm ở vấn đề áp dụng, triển khai và thực thi. Hiện nay, có khoảng 25 văn bản pháp quy về ATTP. Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Thông tư liên tịch số 13/2014 giữa ba Bộ chủ quản cũng đã nêu rất rõ vai trò chủ trì và phối hợp đa ngành giữa các bộ ban ngành.

Gần đây nhất, sau sự kiện Việt Nam chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Lương thực thực phẩm toàn cầu trong khuôn khổ sáng kiến Liên hợp quốc về chuyển đổi lương thực bền vững, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Trong đó nêu rõ nội dung tăng cường điều phối liên ngành nhằm ứng dụng cách tiếp cận Một sức khỏe (bao gồm sức khỏe con người, động vật, cây trồng, môi trường) trong quản trị chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm.

Với bối cảnh nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế, phân bổ cho nhiều lĩnh vực ưu tiên, hội nghị  được tổ chức có sự hỗ trợ và đồng chủ trì trực tiếp của Viện Chăn nuôi quốc tế thuộc hệ thống Tổ chức One-GIAR  nhằm kêu gọi sự chung tay hợp tác đồng lòng của các Bộ, ban ngành và đối tác phát triển quốc tế trong công tác đảm bảo ATTP tại Việt Nam, tạo cơ hội để cùng chia sẻ trách nhiệm, đề xuất chính sách, thể chế về ATTP; đề xuất cơ chế phối hợp đa ngành về ATTP; huy động nguồn lực tri thức và tài chính trong nước và quốc tế cho ATTP; đặc biệt là huy động nguồn lực nhằm thực hiện những cam kết và nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động quốc gia về ATTP trong y tế, nông nghiệp và công thương trước bối cảnh nguồn lực trong nước hiện nay. 

Vấn đề mất ATTP là vấn đề nhức nhối cần tới sự chung tay của tất cả các bên liên quan từ cá nhân tới tổ chức, đặc biệt là sự phối hợp đa ngành, hợp tác đa bên trong đó trách nhiệm quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng. Việc phối hợp này dựa trên cách tiếp cận Một sức khỏe, vì con người, động vật, thực vật và môi trường có mối liên hệ qua lại với nhau ở trên các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, các cấp các ngành.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ Y tế, NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương nêu lên thực trạng an toàn thực phẩm ở Việt Nam và qua đó kêu gọi tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ATTP trong khuôn khổ Khung Đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người.

Ông Fred Unger, Trưởng đại diện Viện Chăn nuôi quốc tế khu vực Đông Nam Á phát biểu tại sự kiện.
Ông Fred Unger, Trưởng đại diện Viện Chăn nuôi quốc tế khu vực Đông Nam Á phát biểu tại sự kiện.

Đại diện của WB, ông Gou Li, Chuyên gia kinh tế cao cấp kiêm điều phối chương trình nông nghiệp đã trình bày và nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc ATTP. Các đối tác quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Khung Đối tác Một sức khỏe trong việc tạo ra cơ chế chia sẻ và đồng hành phối hợp đa ngành, đa đối tác và đa quốc gia cho lĩnh vực ATTP. Các đối tác quốc tế đều cam kết đồng hành cùng Nhóm kỹ thuật ATTP đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu quốc quốc gia và ngành về ATTP.

Về phía Khung đối tác Một sức khỏe, ba Bộ đồng chủ trì cam kết cố gắng làm tốt vai trò điều phối, tạo ra các cơ chế, diễn đàn chia sẻ, nhân rộng những kết quả nghiên cứu, bài học, kinh nghiệm thực tế về các hoạt động, chương trình ATTP quốc tế và quốc gia. Đồng thời làm cầu nối, kết nối các bên liên quan trong nước và đối tác phát triển quốc tế, đặc biệt là các đối tác quốc tế quan trọng để lắng nghe những nhu cầu thực tế từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, có cơ sở hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, bố trí nguồn lực phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam. 

Linh Linh