Ngày 17/3/2017, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Quý I của Mạng lưới Truyền thông Một sức khỏe (OHCN) với sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế là thành viên của mạng lưới. Chủ đề buổi họp xoay quanh các vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay như Kháng Kháng sinh, tình hình diễn biến dịch cúm gia cầm trên thế giới và tại Việt Nam với trọng tâm là cúm A/H7N9, các hoạt động khuyến nông cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Một sức khỏe.
Tham dự cuộc họp, đại diện Cục Thú y và Cục Y tế dự phòng đã đưa ra bức tranh tổng quát về tình hình dịch cúm gia cầm nói chung và cúm A(H7N9) nói riêng trên thế giới và tại Việt Nam cũng như công tác phòng chống dịch của hai ngành và định hướng trong thời gian tới. Qua đó có thể thấy, cả hai Bộ đều đã và đang có những chỉ đạo sát sao và kịp thời trong phòng chống và ứng phó với dịch bệnh. Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng giới thiệu về các hoạt động của Trung tâm trong công tác phòng chống bệnh truyền lây, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát, đồng thời kêu gọi các thành viên OHCN cùng chia sẻ thông tin và hợp tác trong các hoạt động có liên quan.
Bài học kinh nghiệm từ chuyến công tác của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Một sức khỏe – Sức khỏe Sinh thái Toàn cầu (OHEH) tại Melbourne, Australia vào tháng 12/2016 vừa qua cũng như những cơ hội hợp tác quốc tế đã được Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Vùng, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam (ILRI) trình bày tại cuộc họp. Qua đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách thông qua đẩy mạnh xây dựng các ấn phẩm truyền thông, báo cáo tóm tắt dựa trên các kết quả nghiên cứu để đưa ra thông điệp truyền thông mạnh mẽ và trực quan hơn đến các nhà quản lý. Theo đó, vai trò của Đối tác OHP và Mạng lưới Truyền thông Một sức khỏe được xem là rất quan trọng, đóng vai trò cầu nối giữa hai nhóm nghiên cứu và chính sách. Liên quan đến vấn đề này, Bà Đào Thu Trang, Quản lý Ban thư ký Đối tác OHP cũng đưa ra thông tin về dự án SCOH-2, trong đó sáng kiến “Từ Nghiên cứu đến Chính sách” với các cuộc hội thảo được tổ chức 6 tháng 1 lần sẽ đóng vai trò hỗ trợ cung cấp các bằng chứng nghiên cứu trong nước và quốc tế tốt nhất và kịp thờicho các nhà hoạch định chính sách và cấp ra quyết định trong lĩnh vực Một sức khỏe.
Đề cập đến chủ đề Kháng kháng sinh - một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm rộng rãi hiện nay, Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có bài tham luận về “Ba khía cạnh của Một sức khỏe và Mô hình can thiệp cộng đồng trong phòng chống khuẩn đa kháng thuốc tại Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, hơn 60% người dân có khuẩn kháng thuốc khu trú, hơn 10% thực phẩm có dư lượng kháng sinh, và β-lactam và Colistin là các chất kháng sinh đang được sử dụng phổ biến trong cộng đồng. Ba phạm trù của Một Sức khỏe về xử lý vấn đề lây truyền khuẩn đa kháng thuốc tại Việt Nam bao gồm: phạm trù quốc tế (xuất nhập khẩu thực phẩm), phạm trù quốc gia (phân phối thực phẩm ra thị trường trong toàn nền kinh tế) và phạm trù cộng đồng (tự sản tự tiêu, phân phối quy mô nhỏ). Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu này chỉ tập trung vào Mô hình quản lý cộng đồng địa phương. Kết quả sau khi nghiên cứu về Kiến thức – Thái độ – Thực hành (KAP) tại thôn Trại, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội tập trung vào yếu tố nguy cơ và tiến hành các can thiệp trong cộng đồng, tỉ lệ hiện nhiễm khuẩn ESBL-E. coli trong cộng đồng đã giảm từ 59,90% (trước can thiệp - tháng 6/2014) xuống còn 35,23% (sau can thiệp - tháng 2/2016). Kết quả này mang đến một thông điệp tích cực, cho thấy các can thiệp về mặt truyền thông đã phát huy hiệu quả cao trong việc thay đổi kiến thức, thái độ và hành vi của người dân, góp phần làm giảm các yếu tố nguy cơ gây dịch và lây truyền khuẩn kháng thuốc tại cộng đồng.
Cuộc họp thường Quý của Mạng lưới OHCN cũng là dịp để các thành viên cùng chia sẻ thông tin về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, qua đó tìm kiếm cơ hội phối kết hợp, tăng cường hiệu quả truyền thông phòng chống dịch bệnh. Dự kiến, cuộc họp Quý 2 sẽ có một phần tham luận về bệnh Dại, trong bối cảnh dịch bệnh này có xu hướng gia tăng vào tháng 5 – tháng 6 hàng năm, đồng thời quốc gia đang có những nỗ lực lớn trong công tác phòng chống Dại./.