Tại hội thảo, các đại diện từ Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu về dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP trong nông hộ” do Trung tâm khuyến nông Quốc gia chủ trì và được thực hiện bởi Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Bình. Dự án được thực hiện từ tháng 5 năm 2014 tại 2 xã ở Ninh Bình. Đánh giá kinh tế sơ bộ cho thấy các hộ chăn nuôi có thể thu lãi 30 triệu VND trên mỗi con lợn đực giống mỗi năm. Bên cạnh đó, việc thụ tinh nhân tạo mang lại nhiều lợi ích và nâng cao hiệu quả trong công tác cải tạo giống. Mạng lưới thú y cộng đồng hoạt động hiệu quả, bám sát địa bàn từng thôn xóm, nắm vững tình hình các hộ chăn nuôi, kịp thời phản ánh tình hình và triển khai công việc một các hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ trung ương, Bộ Y tế cũng trình bày kết quả một dự án thí điểm về Kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật trong mối tương tác giữa lợn và con người tại hai tỉnh Lạng Sơn và Nam Định.
Chuyến tham quan thực địa đã tạo cơ hội cho các thành viên mạng lưới OHCN đến thăm một mô hình chăn nuôi lợn áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo được giới thiệu ở trên tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đây là trang trại quy mô lớn với 12 lợn đực giống chất lượng cao, mỗi con cung cấp tinh cho 200-250 lợn nái sinh sản mỗi năm và đồng thời cung cấp tinh cho các hộ chăn nuôi lợn xung quanh. Mô hình thí điểm này được triển khai năm 2014 và được đánh giá cao, hệ thống vệ sinh dịch bệnh nghiêm ngặt, chủ yếu đại biểu phải theo dõi qua hệ thống camera chứ không vào chuồng thăm trực tiếp. Tiêm phòng cho lợn được thực hiện nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của mạng lưới thú y cộng đồng và Trạm thú y huyện. Trang trại thứ hai mà đoàn đến tham quan là mô hình trang trại tổng hợp của một hộ nông dân ở huyện Nho Quan, Ninh Bình, rộng khoảng 15 hecta, chủ yếu trồng cây ăn quả. Trang trại có một khu chăn nuôi lợn rừng theo hướng tự nhiên truyền thống.