Việt Nam

Kết quả các nghiên cứu thực hiện trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam”

Sau đây là một số kết quả tóm tắt của các nghiên cứu:

1. Nghiên cứu “Những nguy cơ sức khỏe cho con người, động vật và môi trường từ nước thải chăn nuôi lợn tại miền Bắc Việt Nam”được thực hiện ở xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Kết quả cho thấy, các tác nhân gây bệnh và dư lượng kháng sinh trong nước thải chăn nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho con người, động vật và môi trường. Những nguy cơ chính bao gồm tiếp xúc với nước thải trong chăn nuôi và sử dụng nước thải chăn nuôi để bón phân cho ruộng, cũng như việc xả nguồn nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không tốt ra hệ thống thoát nước công cộng và đồng ruộng. Một trong những khuyến nghị được nhóm nghiên cứu đưa ra đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua việc thiết kế và thực hiện các chương trình truyền thông nhằm phổ biến kiến thức và kỹ năng thực hành đúng về thức ăn chăn nuôi, sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh, chất thải chăn nuôi và các vấn đề sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần khuyến khích và hỗ trợ khâu quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi cũng như lồng ghép các thông điệp giáo dục sức khỏe. Hệ thống khí sinh học là lựa chọn thích hợp, tuy nhiên cũng cần có chương trình truyền thông để đảm bảo cho các hộ chăn nuôi lợn có kiến thức, nhận thức tốt và thực hành phù hợp trong việc sử dụng hệ thống khí sinh học.

2. Nghiên cứu “Điều tra việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam” được thực hiện tại xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên và xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Kết quả khảo sát Kiến thức, Thái độ và Thực hành (KAP) về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại địa bàn nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng thuốc kháng sinh của người chăn nuôi lợn có thể được coi là một thực tế tại Việt Nam. Kháng sinh được dùng khá phổ biến trong chăn nuôi lợn và người nuôi lợn phần lớn không có kiến thức về bệnh ở lợn cũng như kiến thức về sử dụng kháng sinh. Do đó, dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tư vấn đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm hướng đến việc thực hành tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại địa phương, bao gồm: (i) Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết, kiến thức, thái độ và thực hành sử về dụng kháng sinh cho người chăn nuôi thông qua truyền thông hiệu quả và hỗ trợ kỹ thuật, (ii) Tăng cường vai trò và trách nhiệm của những người thực hành thú y ở địa phương cũng như Trung tâm Khuyến nông trong việc hỗ trợ người dân sử dụng hợp lý, an toàn thuốc kháng sinh trong chăn nuôi lợn, (iii) Thực hiện chương trình giám sát tối thiểu dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật cũng như đánh giá tác động môi trường do vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra. Tuy nhiên, quan trọng nhất cần phải có một lộ trình để cấm dần việc bổ sung kháng sinh vào thức ăn gia súc.

3. Nghiên cứu “Xây dựng chương trình đánh giá và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm của các sản phẩm và dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật: Đánh giá nguy cơ lây nhiễm Salmonella trên thịt gà trong chuỗi sản xuất thịt liên quan đến nguy cơ sức khỏe người tiêu dùng”được thực hiện tại huyện Gia Lâm và Thường Tín, Hà Nội trong đó áp dụng phương pháp SWOT và QRMA trong phân tích nguy cơ đe dọa sức khỏe con người từ việc tiêu thụ thịt gia cầm nhiễm Salmonella. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đi cùng với xu hướng phát triển ngành sản xuất gia cầm trong những năm gần đây là nhu cầu nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Phân tích chuỗi sản xuất từ điểm giết mổ đến chợ cho thấy tỷ lệ lưu hành Salmonella cao tại các quầy thịt gà, các mẫu thịt gà và các mẫu xét nghiệm môi trường. Tỷ lệ mắc Salmonella hàng năm giữa các hộ có sử dụng và không sử dụng bảo quản lạnh lần lượt là 0,83 (90% CI: 0-4,45) và 2,51 (90% CI: 0-12,84)% cũng như có sự khác biệt về thống kê giữa việc sử dụng và không sử dụng kho lạnh (p < 0.01).  Kết quả này cho thấy cần cải thiện điều kiện vệ sinh dọc theo chuỗi sản xuất gia cầm, đặc biệt là tại các lò mổ, chợ và tại các hộ gia đình cũng như tăng cường thực thi các quy định về quản lý an toàn thực phẩm ở tất cả các cấp. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của từng nhân tố trong chuỗi sản xuất trong việc áp dụng các quy trình vệ sinh tốt nhằm góp phần giảm thiểu các rủi ro ở giai đoạn cuối cùng của quá trình tiêu thụ. Một hoạt động không kém phần quan trọng là việc phổ biến, tập huấn và hội thảo về an toàn thực phẩm để tiếp tục xác định các cơ hội hỗ trợ và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm bền vững và hiệu quả.

4. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính các động kinh tế của bệnh dại tại Việt Nam, 2005 - 2014”, trong giai đoạn 10 năm, Việt Nam ghi nhận tổng số 914 trường hợp chết do bệnh dại, theo đó trung bình có 91.4 ca tử vong mỗi năm. Tổng thiệt hại về kinh tế gây ra bởi bệnh dại do chó trong thời gian này tại Việt Nam là 14,8 nghìn tỷ đồng. Các kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các tác động của bệnh dại do chó ở Việt Nam là tương đồng với các tác động ở châu Á nói chung, trong đó có một phần lớn chi phí được chi trả cho Điều trị Dự phòng Sau phơi nhiễm (PEP) và một phần nhỏ dành cho việc tiêm phòng chó. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó trong giai đoạn này là 48% trong khi để loại bỏ bệnh dại trên chó đòi hỏi tỷ lệ tiêm phòng chó phải đạt mức trên 60%. Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại trên người đến năm 2020, Việt Nam cần phải tăng các chi phí cho công tác tiêm phòng chó đồng thời duy trì hoặc tăng mức độ bao phủ của PEP. Tiêm phòng cho chó thể hiện việc phòng ngừa bệnh dại ở người trong khi PEP thể hiện việc ngăn chặn bệnh dại chó trên con người. Theo kinh nghiệm của các nước châu Mỹ La-tinh, việc tăng chi phí tiêm phòng cho chó để tăng cường phòng bệnh cuối cùng sẽ dẫn tới giảm nhu cầu đối với việc xử lý ổ dịch.

5. Theo Jones, K. E., et al. (2008), Các bệnh truyền nhiễm mới nổi chủ yếu do lây truyền từ động vật (chiếm tới 60.3% trong số các BTNMN) và phần lớn trong số đó (71.8%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Thông qua rà soát văn bản và phỏng vấn sâu, nghiên cứu “Quản lý nhà nước về động vật hoang dã nuôi nhốt và nguy cơ lây truyền dịch bệnh động vật giữa các loài” đã xác định được thực trạng thực hiện các văn bản pháp quy trong việc quản lý động vật hoang dã nuôi nhốt đồng thời xác định các khoảng trốngvà chồng chéo trong phối hợp và điều phối giữa các cơ quan có liên quan tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra những đề xuất nhằm củng cố thêm vai trò quản lý nhà nước về động vật hoang dã nuôi nhốt và cải thiện khung văn bản pháp quy liên quan đến sức khỏe động vật, sức khỏe cộng đồng và các bệnh lây từ động vật sang người. Các đề xuất này bao gồm chỉnh sửa và bổ sung các văn bản quy phạm cụ thể về trách nhiệm và phối hợp giữa các cơ quan chức năng; củng cố vai trò quản lý nhà nước về động vật hoang dã nuôi nhốt và tiêu dùng bao gồm có được hệ thống dữ liệu cập nhật về gây nuôi động vật hoang dã và chuỗi cung ứng động vật hoang dã, quy chuẩn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra đề xuất chỉnh sửa và bổ sung văn bản quy phạm về truy tố buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tuy nhiên, đề xuất có thể cần thêm nghiên cứu sâu hơn vì có sự tham gia của các cơ quan thực thi pháp luật khác và các bộ có liên quan ở cấp trung ương, khu vực và quốc tế.

6. Phối hợp dịch tễ và phòng thí nghiệm giữa ngành y tế và thú y ở Việt Nam đang trở thành một yêu cầu cấp thiết và là cơ sở áp dụng phương thức tiếp cận Một Sức khỏe một cách có hiệu quả nhằm ứng phó các bệnh truyền nhiễm mới nổi (EIDs) đang tiềm ẩn lây lan giữa động vật hoang dã, động vật nuôi và con người. Theo nghiên cứu “Phối hợp Dịch tễ và Phòng thí nghiệm, và Chia sẻ thông tin giữa ngành Y tế và Thú y”, dựa trên năng lực và các thành quả đạt được hiện nay ở Việt Nam trong thập kỷ vừa qua, một số đề xuất chính có thể được đưa ra bao gồm: (i) Vận hành hiệu quả sự phối hợp liên ngành ở tất cả các cấp dựa vào các hướng dẫn thực hiện và qui tắc hoạt động tiêu chuẩn (SOP) của Thông tư 16 (2013) về giám sát, chia sẻ thông tin, điều tra và ứng phó dịch bệnh, (ii) Thiết lập cơ chế điều phối quốc gia chung (Ban chỉ đạo) về Một Sức khỏe và các bệnh lây truyền từ động vật sang người dựa trên các cơ chế đã có trước đó về ứng phó bệnh cúm và các bệnh mới nổi khác, (iii) Tăng cường mạng lưới phòng thí nghiệm nội bộ và liên ngành thông qua các cuộc họp định kỳ, hội nghị và hội thảo khoa học, đào tạo và trao đổi thông tin, đặc biệt là (iv) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua Đối tác Một Sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, các sáng kiến như các gói hành động Phòng chống Bệnh lây truyền từ Động vật sang Người (ZDAP) và Trung tâm Hành động Khẩn cấp (EOC) của Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA), chia sẻ thông tin liên biên giới và các nhóm công tác vùng.

7. Theo những khuyến nghị được đưa ra của nghiên cứu“Đánh giá chung về những cách triển khai hiệu quả phương thức Một sức khỏe” thì Việt Nam nên tiếp tục áp dụng và điều chỉnh phương thức tiếp cận Một sức khỏe trong phòng chống dịch bệnh phát sinh trong mối tương tác con người – động vật – môi trường. Trong các hoạt động tăng cường năng lực, cần huy động sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài các Bộ thông qua các nhóm tham vấn kỹ thuật. Về định hướng chiến lược, Việt Nam nên có chiến lược riêng cho năm lĩnh vực chính, đồng thời áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe trên cơ sở tiếp nối các hệ thống đã có. Trong đó cần lưu ý, chiến lược xây dựng cho các lĩnh vực này cần được văn bản hóa và có sự kết nối với các tài liệu OPI và AIPED, bao trùm giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh đó, thông tin về các hoạt động Một sức khỏe cần được thường xuyên cập nhật cấp khu vực và quốc tế nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh nghiệm và cho thấy tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận này. Về lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ cho hoạt động Một sức khỏe nhằm hỗ trợ triển khai các chiến lược đã được xác định và xây dựng.

Bài viết khác

Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe Phòng chống Dịch bệnh từ Động vật sang Người (MSK), giai đoạn 21-25 diễn ra ngày 10/12/2024 tại Hà Nội

Sáng nay, ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y...

Tham vấn quốc gia về đề xuất dự án Preact trong khuôn khổ sáng kiến Prezode

Tham vấn quốc gia về đề xuất dự án Preact trong khuôn khổ sáng kiến Prezode về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người: Sáng kiến Prezode do Chính phủ Pháp chủ trì bao gồm 27...

Diễn dàn thương niên cấp cao MSK năm2023

Sáng nay, ngày 7/11/2023, tại Hà Nội, Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế, Bà Aler Grubs, Giám đốc...

Huy động hợp tác đa ngành và nguồn lực quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Vấn đề mất an toàn thực phẩm cần tới sự chung tay của tất cả các bên liên quan từ cá nhân tới tổ chức, đặc biệt là sự phối hợp đa ngành, hợp tác đa bên.

Chung tay giải quyết vấn đề bệnh dại, bệnh mới nổi từ động vật

Sáng 9/5, FOUR PAWS International - tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu chính thức trở thành thành viên chính thức của khung đối tác Một sức khỏe Việt Nam (OHP).

HỢP TÁC GIẢM CẦU THỊT THÚ RỪNG

Trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp và triền khai Khung đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người, ngày 28/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát...

Thành lập đối tác công tư trong khuôn khổ Chương trình thí điểm ngành chăn nuôi lợn về an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Thú y Thế giới

Ngày 21 tháng 10 năm 2022. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế- thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố...

Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nông nghiệp và PTNT cho ông Michael John O’Leary

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi lễ trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ông Michael John O’Leary...

Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe Phòng chống Dịch bệnh từ Động vật sang Người (MSK), giai đoạn 21-25 diễn ra ngày 16/8/2022 tại Hà Nội

Sáng nay, ngày 16/8/2022, tại Hà Nội, Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến cùng với sự tham dự của đại diện hai Bộ đồng chủ trì (Bộ Y...

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa IFC và Bộ Nông nghiệp và PTNT về hỗ trợ kỹ thuật phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Biên bản ghi nhớ nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật Nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thực hiện.

Đối tác & dự án

Bản đồ