Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Việt Nam và Chính phủ Việt Nam hợp tác để bảo vệ người dân và động vật tại Việt Nam phòng tránh nguy cơ dịch bệnh, dự án trị giá 2,1 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Lễ ký kết dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa đối với sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật” (gọi tắt là EPT2) được tổ chức tại Hà Nội với sự hiện diện của FAO Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN và PTNT) và tổ chức USAID Việt Nam. Trung tâm Kiểm soát Khẩn cấp các bệnh có nguồn gốc từ động vật xuyên Biên giới (ECTAD) thuộc FAO Việt Nam sẽ trực tiếp hỗ trợ Bộ NN và PTNT, đặc biệt là các Cục Thú Y(DAH), Cục Chăn Nuôi (DLP), Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Cơ quan quản lý CITES thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp triển khai dự án này.
Bốn hợp phần chính của dự án gồm: 1) Các cơ chế hợp tác và phối hợp theo phương thức Một sức Khỏe; 2) Giảm thiểu rủi ro dịch bệnh theo chuỗi giá trị chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn; 3) Giám sát để phòng ngừa dịch bệnh; và 4) Hợp tác xuyên biên giới ở vùng Đồng bằng sông Hồng và hạ lưu sông Mê Công để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh việc tập trung vào phòng ngừa dịch bệnh, dự án cũng sẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực và cải thiện sinh kế cho người chăn nuôi.
“Dự án mới của chúng tôi sẽ được xây dựng trên cơ sở Chương trình Đáp ứng Khẩn cấp Phòng dịch cúm gia cầm đã được Trung tâm ECTAD hỗ trợ kỹ thuật rất thành công trước đây và Trung tâm sẽ một lần nữa lại đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam thực hiện dự án,” Ông Jong Ha Bea, Trưởng Đại diện tổ chức FAO Việt Nam cho biết.
“Chương trình hợp tác trước đây giữa Bộ NN và PTNT và FAO đã góp phần giảm đáng kể tác động của vi rút cúm gia cầm đối với con người và gia cầm thông qua việc phát hiện và đáp ứng dịch. Tuy nhiên, sau khi vượt qua được cuộc khủng hoảng do dịch cúm gia cầm độc lực cao (H5N1) gây ra, chúng tôi nhận thấy cần có một phương pháp tiếp cận bền vững hơn không chỉ để phòng chống cúm gia cầm mà còn cả các dịch bệnh lây truyền xuyên biên giới từ động vật sang người. Sự thành công của dự án EPT2 không thể thiếu sự hợp tác từ các cơ quan y tế vì một số dịch bệnh lớn ở động vật hiện nay có thể lây sang người,” Tiến sĩ Scott Newman, Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam phát biểu.
(Hình: FAO Việt Nam)