Theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến tháng 10 năm 2015, đã có nhiều ổ dịch cúm bùng phát được ghi nhận tại các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Hàn Quốc,… Riêng tại Trung Quốc, thời gian vừa qua đã phát hiện 4 trường hợp mắc cúm A/H5N6, 5 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 và 2 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người. Điều này làm gia tăng lo ngại về nguy cơ lan dịch về Việt Nam, đặc biệt trong những tháng cuối năm với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển và sự giao thương qua biên giới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm tăng cao dịp cuối năm.
Trong năm 2015, Việt Nam tuy chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm trên người nhưng đã có nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 và H5N6 được phát hiện tại các đàn gia cầm trong cả nước. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế đã có những chỉ đạo kịp thời để các địa phương chủ động phòng chống và ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh. Công điện khẩn số 8385/CĐ-BNN-TY do Bộ NN&PTNT ban hành ngày 12 tháng 10 năm 2015 gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa Sở NN&PTNT cùng các Sở ban ngành khác tại các tỉnh thành trong việc ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới đồng thời tích cực thông tin truyền thông về dịch bệnh trong toàn dân, chủ động ngăn ngừa không để dịch cúm gia cầm bùng phát hoặc lây lan sang người./.