Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC), dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc diễn biến thành 02 giai đoạn (02 đỉnh dịch như biểu đồ): Giai đoạn 1 có 135 trường hợp nhiễm, giai đoạn 2 (tính đến ngày 18/2/2014) có 220 trường hợp nhiễm. Xen kẽ 02 giai đoạn này là khoảng thời gian 5 tháng và chỉ có 02 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 được ghi nhận. Cả 02 giai đoạn đều xảy ra vào mùa rét ở Trung Quốc. Phân bố dịch tễ về tuổi, giới tính là không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 giai đoạn. Tổ chức Y tế thế giới nhận định virus cúm A/H7N9 không có khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người. Hiện vẫn chưa có bằng chứng virus cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người và chưa có bằng chứng cho thấy có sự lan truyền quốc tế của virus cúm A/H7N9 trên người hoặc trên gia cầm. Tại mỗi quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường giám sát, bao gồm giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng chưa rõ nguyên nhân, các trường hợp bệnh hô hấp bất thường và báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Việt Nam đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn không để virus cúm A/H7N9 lan truyền vào nước ta kể cả trên gia cầm và trên người. Cụ thể, ngàng nông nghiệp đã đã chủ động, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ thông tin và triển khai các biện pháp ứng phó với virus cúm A/H7N9, đến nay đã xét nghiệm trên 73 nghìn mẫu gia cầm, mẫu môi trường tại trên 100 chợ, điểm buôn bán gia cầm của 11 tỉnh, thành phố phía Bắc nhưng chưa phát hiện có virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam; ngành y tế cũng đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát với tổng số trên 800 mẫu được lấy và xét nghiệm, nhưng không có mẫu nào dương tính với cúm virus. Đây là một nỗ lực và cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, của tất cả các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự tham mưu, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quyết liệt của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.