Việt Nam

Việt Nam tăng cường các nỗ lực của quốc gia trong phòng chống và ứng phó với tình trạng Kháng kháng sinh

Việt Nam tăng cường các nỗ lực của quốc gia trong phòng chống và ứng phó với tình trạng Kháng kháng sinh

Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40 là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn.  Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh và lạm dụng kháng sinh trong y tế, nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.

Theo ước tính, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người chết do kháng thuốc, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời ở cấp toàn cầu[1]. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, để ứng phó với thực trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng, ngày 21/6/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Tiếp theo đó, ngày 24/6/2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển ở Việt Nam đã chung tay ký kết “Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc”.

Sau 4 năm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và 2 năm triển khai Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc, ngày 21/09/2107, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức “Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc”. Phát biểu tại Hội nghị, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc.

Hiện nay Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các đối tác phát triển đang tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa vào chương trình kế hoạch hàng năm của từng Bộ, Ban ngành, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương.

Tại cuộc họp, bài tham luận của Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương và Sở Y tế TP. HCM cho thấy những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống để ứng phó với tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là áp dụng Công nghệ thông tin trong kiểm soát việc kê đơn và mua kháng sinh của người dân, mặc dù còn nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính và con người. Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan cùng với sự tham gia tích cực của người dân, công cuộc kháng thuốc của Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu được kết quả tích cực.

Các hoạt động nổi bật trong công tác phòng chống kháng thuốc của Việt Nam

·        Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” của Tổ chức Y tế Thế giới và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, giai đoạn 2013 – 2020.

·        Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng/chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 (Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 13/3/2014 và Quyết định số 5888/QĐ-BYT ngày 10/10/2016).

·        Thành lập 09 Tiểu ban giám sát kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 (Quyết định số 2888/QĐ-BYT ngày 05/8/2014).

·        Thiết lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám, chữa bệnh (Quyết định số 6211/QĐ-BYT ngày 17/10/2016).

·        Thành lập Đơn vị giám sát kháng thuốc Quốc gia trực thuộc Cục QLKCB (QĐ số 3391/QĐ-BYT ngày 14/8/2015).

·        Xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp quy, tài liệu chuyên môn, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về vi sinh và quản lý sử dụng kháng sinh.

·        Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc; tổ chức phát động ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và thực hiện tuần lễ truyền thông về kháng thuốc vào tháng 11 hàng năm.

Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 2625/QĐ-BNN-TY ngày 21/6/2017).



[1]
Sẽ có 10 triệu người chết mỗi năm vì kháng thuốc trên toàn cầu?”, Marlieke E. A. de KrakerAndrew J. Stewardson, and Stephan Harbarth