Ngày 28 tháng 9 hàng năm được lựa chọn là Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại. Nhân dịp này năm 2017, Liên Hợp quốc đã tuyên bố sáng kiến toàn cầu nhằm mục tiêu đến năm 2030 sẽ chấm dứt số ca tử vong do bệnh dại do chó. Kế hoạch chiến lược “Không còn ca bệnh dại nào vào năm 2030” đặt trọng tâm vào việc áp dụng tiếp cận Một sức khỏe để hướng đến việc loại trừ dịch bệnh một cách toàn diện và đa ngành, trong đó nhấn mạnh vai trò của bác sỹ thú y, cán bộ các ngành y tế và giáo dục trong công tác phòng chống dại.
Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, ngày 27 tháng 9 năm 2017 tại thành phố Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các đối tác trong mạng lưới Một sức khỏe đã cam kết nỗ lực và phấn đấu vì mục tiêu “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030”. Hai ngành y tế, thú y và các tổ chức kêu gọi khối chính quyền, các chuyên gia y tế và thú y, người nuôi chó và cộng đồng cùng hợp tác loại trừ bệnh dại.
Tính tới thời điểm này, cả nước ghi nhận 57 người chết vì bệnh dại tại 29 tỉnh và thành phố. Số ca tử vong này tương đương số cùng kỳ vào giữa tháng 9 năm ngoái chỉ tại 22 tỉnh thành phố. Tình hình bệnh lây lan tới nhiều tỉnh đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp đáp ứng kịp thời.
Tiến sỹ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y và Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh “Loại trừ bệnh dại trên người là khả thi từ năm 2030 với điều kiện 70% tổng đàn chó thực tế cần được tiêm phòng và những người bị chó cắn phải tới cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời. Chúng tôi kêu gọi sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp hợp tác với hai ngành y tế và thú y để chỉ đạo và cung cấp đủ nguồn lực kiểm soát bệnh”.
Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO Việt Nam và Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO Việt Nam đồng nhận định “Để có thể loại trừ bệnh dại vào năm 2030, chính phủ Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa đặc biệt là quản lý được tổng đàn chó thực tế, tăng tỷ lệ tiêm phòng và đảm bảo có vắc xin kịp thời cho những người bị chó cắn. Tổ chức FAO và WHO cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho hai Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế”.
Hàng năm trên thế giới, bệnh dại gây ra 59.000 ca tử vong. Những ca tử vong này đã có thể phòng tránh được nếu ba biện pháp chính bao gồm tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn. Bệnh dại không thể chữa được khi người bị chó cắn có các biểu hiện nhiễm bệnh, người bệnh trải qua cái chết từ từ và đau đớn. Tuy nhiên, việc tiêm phòng ngay sau khi bị động vật cắn có thể cứu sống tính mạng và tránh khỏi đau đớn./.
(Tổng hợp thông tin từ FAO)