Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A/H7N9 đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 tới nay tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 340 trường hợp mắc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017. Theo thông tin từ Cục Thú y/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Cục Y tế dự phòng/Bộ Y tế, vi rút cúm A/H7N9 đã được phát hiện trên gia cầm/môi trường/người ở một số tỉnh Trung Quốc giáp với biên giới phía Bắc nước ta. Mặc dù có sự bùng phát dịch và có dấu hiệu lây lan ra ngoài Trung Quốc nhưng đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người. Tuy nhiên, nguy cơ có thể các dịch cúm gia cầm xâm nhập, lây truyền sang người và gây bùng phát dịch rất cao, nhất là khi các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt và phương thức nhập lậu gia cầm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 427/CĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 chỉ đạo về việc tập trung phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo ở cấp bộ ngành, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đều đã có những biện pháp kịp thời và chủ động phòng chống dịch bao gồm Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống cúm gia cầm; Giám sát chủ động sự lưu hành của vi rút; Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; Kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm cũng như Tăng cường hợp tác quốc tế. Cụ thể trong thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành các Công điện, Chỉ thị, văn bản hướng dẫn chi tiết, trong đó có Công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17 tháng 2 năm 2017 về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam và Công văn số 1536/BNN-TY ngày 21 tháng 2 năm 2017 về tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017.
Về phía ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 672/BYT-DP ngày 17 tháng 2 năm 2017 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người và Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam theo Quyết định số 567/QĐ-BYT ngày 21 tháng 2 năm 2017. Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành và chuyên môn kỹ thuật cũng như truyền thông tích cực trong thời gian qua, các hoạt động trọng tâm sắp tới của ngành y tế cũng hướng đến tiếp tục theo dõi chặt chẽ cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh cúm, mở rộng phạm vi giám sát dịch và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan thú y trong công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, hai đợt diễn tập “Phòng chống dịch cúm A/H7N9 và cúm gia cầm độc lực cao lây sang người” tại Hà Nội (13/3/2017) và Lạng Sơn (17/3/2017) dưới sự đồng chủ trì của Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bộ và quyết tâm cao để phòng chống nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng. /.