2017-03-01 11:02:09
Tin vắn
1. Được sự đồng thuận cao từ phía các đối tác trong và ngoài nước, được sự ủy quyền của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chính thức thông qua và ban hành Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe Quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2016 – 2020 đã được thông qua tại Quyết định số 5273/QĐ-BNN-HTQT ngày 19 tháng 12 năm 2016. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đóng vai trò là cơ quan chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch Chiến lược, bao gồm giữ vai trò đầu mối quốc gia về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời trong quá trình thực hiện, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong các hoạt động phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người. Việc giám sát tiến độ thực hiện Kế hoạch được thực hiện thông qua Hội nghị báo cáo tiến độ thường niên do Bộ NN&PTNT cùng Bộ Y tế chủ trì, với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan cũng như các thành viên đã tham gia ký kết trong Khung Đối tác Một sức khỏe. Dự kiến, một cuộc họp với sự chủ trì của lãnh đạo cấp cao của hai bộ sẽ được tổ chức để ra mắt Kế hoạch./.
2. Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Y tế, từ ngày 28/10 – 04/11/2016, Đoàn công tác của WHO đã tổ chức đánh giá độc lập chung (JEE) việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) tại Việt Nam. Kết quả chung của Đoàn công tác cho thấy Việt Nam đã thực hiện cam kết triển khai tất cả các lĩnh vực kỹ thuật và đảm bảo duy trì, củng cố kết quả thực hiện IHR trong những năm vừa qua trong việc Phát hiện - Đáp ứng - Dự phòng với các sự kiện y tế công cộng. Đoàn công tác cũng đánh giá cao sự cam kết chính trị của Việt Nam trong việc triển khai chương trình an ninh y tế thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các hoạt động cụ thể tại địa phương cũng như có sự phối hợp tốt giữa Bộ Y tế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan khác. Để làm tốt hơn nữa việc nâng cao năng lực thực hiện IHR, Đoàn công tác cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành liên quan, tăng cường việc đầu tư về tài chính, con người phục vụ cho công tác an ninh y tế để đảm bảo tính bền vững trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài có thể sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới. (Thông tin tổng hợp từ Bộ Y tế)./.
3. Từ ngày 15 – 17/11/2016, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Tập huấn bài tập tình huống về Hợp tác liên ngành Thú y và Y tế trong công tác Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, dưới sự phối hợp tổ chức của các tổ chức quốc tế (Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Dự án Chuẩn bị và Ứng phó (P&R)) cùng các đối tác từ phía chính phủ (Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW/Bộ Y tế và Cục Thú y/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trọng tâm của hội thảo tập huấn nhắm đến bệnh dại, một trong năm dịch bệnh truyền lây từ động vật được ưu tiên của Thông tư liên tịch số 16. Hội thảo là dịp để các cán bộ làm việc trong hai ngành y tế và thú y ở cấp xã, huyện và tỉnh cùng nhau rà soát và thực hành Quy trình vận hành chuẩn trong công tác phòng chống bệnh dại. Tập huấn theo hình thức bài tập tình huống ở cấp liên ngành này giúp cung cấp các bài học thực tế và hữu ích cho việc đảm bảo hợp tác hiệu quả trong việc điều tra, giám sát, chia sẻ thông tin và báo cáo về các ổ dịch bệnh (Theo thông tin từ Dự án P&R/Chương trình các Mối nguy cơ Đại dịch Mới nổi-pha 2 (EPT-2)./.
4. Trong năm 2016, đặc biệt trong những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), chủng cúm A(H5) tiếp tục được ghi nhận tại nhiều quốc gia. Trên người, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm A(H5) động lực cao như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) tại Trung Quốc, Ai Cập. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ổ dịch cúm gia cầm cúm A(H5N1) và cúm A(H5N6) đã được ghi nhận trong năm 2016 tại một số hộ gia đình. Tuy nhiên, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Y tế và Nông nghiệp, các ổ dịch trên gia cầm đã xử lý triệt để và không để lây truyền dịch bệnh sang người. Nhằm chuẩn bị cho công tác phát hiện và ứng phó sớm hướng tới kiểm soát hiệu quả bùng phát dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn đã có những hành động kịp thời thông qua một số khóa tập huấn về giám sát chủ động bệnh cúm gia cầm và cúm lợn, với sự tham gia của hơn 180 cán bộ thú y cơ sở và cán bộ phòng thí nghiệm và cán bộ tài chính trên cả nước (do FAO ECTAD cùng Cục Thú y phối hợp tổ chức). Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân cho dịp cuối năm và mùa lễ hội đầu năm 2017 để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virut cúm gia cầm sang người. Thông tin chi tiết xin truy cập địa chỉ website Cục Y tế Dự phòng tại địa chỉ http://vncdc.gov.vn./.