Việt Nam

TIN VẮN QUÝ II/2017

TIN VẮN QUÝ II/2017

1.   Việt Nam, Lào, Campuchia diễn tập về giám sát và đáp ứng dịch cúm gia cầm lan truyền qua biên giới - 19/05/2017.  Vào hai ngày 10-11/5/2017, ba quốc gia có cùng đường biên giới, Việt Nam, Lào, Campuchia đã cùng tổ chức Hội thảo diễn tập tình huống về giám sát và đáp ứng dịch cúm gia cầm lan truyền giữa các tỉnh biên giới. Tham dự Hội thảo gồm có đại diện Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh của các Vụ, Cục của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp của Việt Nam, Lào, Campuchia. Hội thảo diễn tập tại bàn về giám sát và đáp ứng dịch cúm gia cầm là cơ hội lớn để các tỉnh biên giới 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá tình hình thực tế, kiểm tra các cơ chế chia sẻ thông tin dịch bệnh truyền nhiễm giữa các quốc gia và phối hợp đáp ứng xử lý dịch cúm gia cầm giữa các tỉnh có cùng biên giới khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Các nước đã cùng thực hiện diễn tập trong vòng 2 ngày với những kịch bản tình huống cụ thể với bối cảnh dịch cúm gia cầm xuất hiện và lây lan tại khu vực biên giới giữa 3 quốc gia. ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu từ các nước Lào, Campuchia và Việt Nam, sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới, dựa trên những kết quả tích cực của Hội thảo diễn tập lần này, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với Lào, Campuchia trong các hoạt động phòng chống dịch xuyên biên giới cũng như tham gia các diễn tập theo các tình huống cụ thể ở cấp tỉnh, huyện (Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)./.

2. Phát hiện sự biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao của chủng vi rút cúm A(H7N9) tại Trung Quốc. Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3/2013 với 5 đợt dịch. Gần đây dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới với nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh. Theo thông báo của WHO, FAO, đã ghi nhận sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở người cũng như ở gia cầm. Trên người, đã phát hiện gen độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) ở Đài Loan (theo Thông báo ngày 25/02/2017 của WHO). Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường (30 mẫu ở gà, 1 ở vịt và 10 mẫu môi trường) được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam.  Kết quả nghiên cứu cho thấy vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1000 lần so với vi rút có độc lực thấp. Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người và WHO cũng chưa khuyến cáo về các thay đổi quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc và những biến đổi độc lực của vi rút, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các công điện, công văn chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, tăng cường tập huấn xét nghiệm và xử lý ổ dịch, kiểm tra việc triển khai hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương (Theo thông tin từ Cục YTDP).

3. Hội nghị triển khai chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021.Ngày 18/4/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Quốc gia Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Thướng trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám và ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đồng chủ trì hội nghị. Tại bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh Việt Nam là nước tiên phong triển khai các hoạt động phòng chống bệnh Dại trong khu vực, đặc biệt là triển khai các hoạt động trong "Chiến lược ASEAN về loại trừ bệnh Dại". Mục đích của Hội nghị nhằm cập nhật tình hình bệnh Dại; thống nhất các giải pháp phòng chống bệnh Dại; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình nhằm khống chế và loại trừ bệnh Dại tại Việt Nam trong thời gian tới (Theo thông tin từ Cục Thú y)./.

4. Hội nghị triển khai Luật Thú y.Thực hiện Kế hoạch phổ biến tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về thú y năm 2017 do Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, lần lượt vào các ngày 18 và 21 tháng 7 năm 2017, Cục Thú y phối hợp với Ban Thư ký Đối tác OHP lần lượt tổ chức các hội nghị phổ biến Luật Thú y tại Hà Nội và thành phố Quy Nhơn. Các nội dung phổ biến trong hai Hội nghị bao gồm: Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thú y; Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng BNN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các cán bộ chuyên môn thuộc Văn phòng Chi cục và Lãnh đạo các Trạm Thú y huyện tại 47 tỉnh thành trên cả nước./.