2017-05-10 15:08:50
1. Tiếp nối những thành tựu đạt được trong pha 1, dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam” pha 2 (gọi tắt là SCOH-2) đã chính thức được nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam (CPVN) phê duyệt với mục tiêu chung nhằm củng cố hệ thống quốc gia trong việc giải quyết hiệu quả các nguy cơ đối với y tế công cộng mới nổi và xuyên biên giới thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe. Với nguồn tài trợ từ USAID thông qua UNDP, dự án SCOH-2 do Bộ NN&PTNT phối hợp thực hiện cùng Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả mà Đối tác OHP (trước đây là Đối tác PAHI) đã xây dựng và củng cố trong hơn 10 năm qua, tiếp tục là kênh thông tin quan trọng giữa Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường với cộng đồng quốc tế; Đảm bảo các định hướng lớn, những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong lĩnh vực Một sức khoẻ và An ninh Y tế toàn cầu sẽ được phản ánh tới các cơ quan quốc tế. Đồng thời, các cơ hội đầu tư và lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, cũng như các tín hiệu từ nhà tài trợ sẽ được báo cáo kịp thời, minh bạch trên cơ sở có sự phân tích và chọn lọc. Thời gian hoạt động của dự án từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2019./.
2. Để giúp bà con ứng phó hiệu quả cũng như có các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hạn chế nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, Chương trình “Tư vấn Khuyến nông” chuyên đề: Cúm gia cầm và giải pháp ứng phó” đã được thực hiện trên Kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn VTC16 với sự tham gia của TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT và TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Theo TS. Hạ Thúy Hạnh, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan mạnh với tỷ lệ gia cầm chết cao, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy cần chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và quản lý tốt đàn gia cầm. Hiện nay, nguy cơ xâm nhiễm bệnh cúm A/H7N9 rất cao do bệnh khó phát hiện vì không có biểu hiện lâm sàng trên gia cầm. Đặc biệt khi lây nhiễm sang người thì người mắc bệnh có nguy cơ tử vong cao, trên 35%. Vì tính chất nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9, người chăn nuôi được khuyến cáo cần báo cho cơ quan thú y địa phương ngay khi phát hiện đàn gia cầm mắc bệnh để thực hiện việc tiêu hủy theo Luật Thú y. TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã tư vấn cho người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cũng như sự cần thiết của việc tăng cường quản lý vận chuyển và ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng trả lời các câu hỏi trực tiếp qua tổng đài 19006145 trong đó tập trung về phòng chống bệnh cúm gia cầm, vịt chạy đồng, yêu cầu tiêu hủy cũng như các chính sách hỗ trợ tiêu hủy gia cầm khi có dịch và các yêu cầu kỹ thuật khi tái đàn sau dịch cúm./. (Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)
3. Ngày 8/3/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-BYT về việc thành lập Nhóm công tác kỹ thuật thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và Chương trình hợp tác An ninh Y tế Toàn cầu tại Việt Nam. Theo đó, Nhóm công tác sẽ có các phân nhóm: (i) Giám sát, đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, (ii) Vắc xin, xét nghiệm và phòng chống kháng thuốc, nhiễm khuẩn bệnh viện và (iii) Chính sách, điều phối và phối hợp liên ngành. Nhóm công tác hoạt động theo Quy chế riêng và kinh phí hoạt động của nhóm công tác được lấy từ nguồn kinh phí của dự án “Tăng cường năng lực thực hiện an ninh y tế toàn cầu tại Việt Nam” do US CDC tài trợ cũng như các nguồn kinh phí hợp pháp khác./.
4. Ngày 15-16/3/2017, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp Bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD), thuộc tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) đã phối hợp với Cục Thú y tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan lần thứ 2 để xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về giảm việc sử dụng kháng sinh (SDKS) và kháng kháng sinh (KKS) trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”. Hội thảo nhằm xác định các hành động và hoạt động chiến lược chi tiết, đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện cho giai đoạn 2017 – 2020. Hội thảo đã xác định các bước triển khai thực hiện, các đơn vị đầu mối và đơn vị tham gia cho từng hoạt động thuộc 5 mục tiêu của kế hoạch, bao gồm: i) Tăng cường thực thi các chính sách và quản lý liên quan đến SDKS và KKS trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; ii) Nâng cao nhận thức về SDKS và nguy cơ KKS đối với cán bộ kỹ thuật, người chăn nuôi và người tiêu dùng; iii) Thực hiện kỹ thuật điều trị và chăn nuôi tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; iv) Giám sát việc SDKS, KKS và dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản và v) Tạo thuận lợi cho hợp tác liên ngành trong việc quản lý rủi ro kháng thuốc./. (Nguồn: http://www.fao.org/vietnam/news/detail/vn/c/853004/)
5. Trong hai ngày 30-31/3/2017, Hội thảo cấp vùng về Tiếp cận Một sức khỏe đã được tổ chức tại Siêm Riệp, Campuchia với mục tiêu tăng cường hợp tác và điều phối đa ngành, đa lĩnh vực trên tất cả các khía cạnh của sức khỏe con người, động vật và môi trường ở cấp quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông. Với sự góp mặt của đại diện các nước trong khu vực như Campuchia, Việt Nam, Lào, Myanma, Thái Lan và Trung Quốc, cuộc họp đưa ra chia sẻ thông tin về chính sách và các chiến lược của mỗi quốc gia trong việc áp dụng tiếp cận Một sức khỏe; Rà soát những thành tựu, cơ hội và thách thức trong quá trình thực hiện, cũng như xây dựng kế hoạch và xác định nguồn lực nhằm tăng cường hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực Một sức khỏe trong thời gian tới./.