Một số dịch bệnh mới nổi có tỷ lệ mắc cao và khả năng bùng phát thành dịch lớn có thể kể đến như SARS, Cúm A (H5N1), Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), Ebola, Sốt vàng, Zika. Năm 2016, sự xuất hiện của dịch bệnh do vi rút Zika tại các quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Á, trong đó có khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông với những diễn biến phức tạp, là một sự kiện y tế công cộng thế giới và được các quốc gia đặc biệt quan tâm.
Bản đồ thể hiện các vùng có điều kiện thuận lợi cho sự lưu hành của virút Zika. Có thể thấy, khu vực các quốc gia tiểu vùng sông Mêkông được xem là có môi trường thuận lợi cho sự phát triển của virút này. (Nguồn: Đại học Oxford và Đại học Washington / eLife)
Được coi là khu vực điểm nóng về các bệnh truyền nhiễm và bệnh truyền nhiễm mới nổi, vấn đề tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực trong phòng chống bệnh truyền nhiễm của các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, ngày 26-27/12/2016 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Bệnh truyền nhiễm mới nổi và đáp ứng với bệnh do vi rút Zika” giữa các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Bên cạnh đại diện đến từ Cục Y tế Dự phòng của các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, hội thảo còn có sự góp mặt của các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế WHO, USCDC, PATH, P&R, với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Mục tiêu của hội thảo nhằm cập nhật tình hình bệnh truyền nhiễm mới nổi; Tháo gỡ khó khăn, thách thức trong giám sát, đánh giá nguy cơ và đáp ứng dịch bệnh; Chia sẻ thông tin về bệnh do Zika vi rút, công tác chuẩn bị và đáp ứng với bệnh do vi rút Zika và đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Căn cứ theo các số liệu, các thông tin về vi rút, dịch tễ học, hệ thống y tế của các quốc gia trong khu vực, hội thảo đã nhận định nguy cơ bùng phát trên diện rộng dịch bệnh do vi rút Zika trong khu vực là khá thấp. Mặc dù theo đánh giá mới nhất của WHO, bệnh do vi rút Zika tuy không còn là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu nhưng vẫn còn là một gánh nặng của cộng đồng. Do đó, các quốc gia cần phải có các chiến lược ứng phó lâu dài với loại bệnh này thông qua các biện pháp: tăng cường tính hiệu quả của công tác giám sát, đánh giá nguy cơ, kiểm soát véc tơ truyền bệnh và xét nghiệm chẩn đoán, …Được biết, hội thảo là một trong những nội dung triển khai thực hiện của Tuyên bố chung giữa Bộ trưởng các nước ASEAN tại cuộc họp đặc biệt trực tuyến về phối hợp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trong khu vực đã được tổ chức vào ngày 19/9/2016./.
(Biên soạn theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Sở Y tế TP. HCM)