Việt Nam

Tăng cường hợp tác dự phòng sự xâm nhập của vi rút cúm A(H7N9) tại Việt Nam

Tăng cường hợp tác dự phòng sự xâm nhập của vi rút cúm A(H7N9) tại Việt Nam

Nguy cơ vi rút cúm A (H7N9) lây lan sang Việt Nam đã gia tăng kể từ khi các chủng độc lực cao được phát hiện ở Trung Quốc năm 2016. Kể từ đó, trong số những hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước tiến hành công tác dự phòng sự xâm nhập của vi rút cúm A (H7N9). Mặc dù loại virut cúm gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc này chưa thâm nhập vào Việt Nam nhưng công tác dự phòng vẫn được hết sức chú ý bởi dịch bệnh một khi đã xảy ra có thể gây ra hậu quả lớn đối với sức khỏe cộng đồng và sản xuất gia cầm trong nước.

Trong chuyến công tác tới Việt Nam, các đại diện của tổ chức FAO (trong đó có Ông Dominque Burgeon - Giám đốc Văn Phòng Khẩn cấp và Phục hồi, Ông Juan Lubroth - Phụ trách trưởng về Thú y và Bà Wantanee Kalpravidh - Giám đốc khu vực của Trung tâm Phòng chống Khẩn cấp các bệnh động vật xuyên biên giới - ECTAD) đã đến thăm và làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và TS. Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thú y. Chuyến thăm đã đưa ra thảo luận về các hoạt động dự phòng và ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam cũng như khả năng hỗ trợ bổ sung để phòng ngừa sự xâm nhập của vi rút H7N9 cũng như các tác động của biến đổi khí hậu.

Cũng trong chuyến công tác, đại diện Tổ chức FAO đã tiếp xúc và làm việc với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - cơ quan hỗ trợ tài chính chủ yếu cho chương trình phòng chống cúm gia cầm và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - đối tác thực hiện chính của FAO, để rà soát các hoạt động chuẩn bị và ứng phó bao gồm phát hiện nhanh sử dụng PCR[1] cầm tay và trích xuất RNA[2] (Pockit/iiPCR). Bên cạnh đó, các cơ chế để đáp ứng nhanh và dự phòng khác cũng được thảo luận bao gồm tiêu huỷ và bồi thường gia cầm tại các chợ, tiếp cận kho dự trữ và huy động nguồn nhân lực.

Tiếp nối hoạt động này, chuyến công tác của Trung tâm Quản lý khủng hoảng của FAO (CMC) dự kiến sẽ được triển khai để xem xét và thông qua kế hoạch dự phòng liên quan đến H7N9, bao gồm việc xây dựng phương thức tiêu huỷ và bồi thường. Ngoài ra, báo cáo về tác động của thiên tai đến nông nghiệp và an ninh lương thực cũng được chuẩn bị cho Hội nghị Khu vực về Giảm nhẹ Thiên tai tại Hà Nội vào ngày 15-16 tháng 3 năm 2018.