Hiện nay, có rất nhiều bệnh lây nhiễm phổ biến đang dần trở nên kháng với một số loại thuốc kháng sinh đã từng được sử dụng để chữa trị các loại bệnh này trước đó, dẫn đến việc gia tăng thời gian chữa trị bệnh cũng như số ca tử vong. Nguy hiểm hơn, con người vẫn chưa tìm ra đủ loại thuốc kháng sinh mới để thay thế các thuốc kháng sinh đã không còn hiệu quả. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cũng như Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Với định hướng tăng cường sự cam kết và các nỗ lực đa ngành của các quốc gia trên toàn thế giới trong việc cùng nhau ứng phó với thực trạng kháng kháng sinh, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã triệu tập một cuộc họp cấp cao về chủ đề này tại trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 9 năm 2016. Đây là lần thứ tư trong lịch sử Liên Hợp Quốc đưa ra thảo luận một vấn đề về sức khỏe tại Đại Hội đồng (các chủ đề trước đó bao gồm HIV, các bệnh không lây nhiễm và Ebola). Lãnh đạo các Quốc gia và Đại diện các phái đoàn bao gồm các tổ chức Phi chính phủ, khối dân sự xã hội, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu đã đề cập đến thực trạng kháng thuốc cũng như thảo luận về các biện pháp bền vững, đa ngành nhằm giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay. Theo đó, tuyên bố cấp cao của Đại Hội đồng về kháng kháng sinh đã được ra đời trong đó khái quát đầy đủ và nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, cũng như đề xuất cách tiếp cận đa ngành ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia để chung tay ứng phó với thực trạng này.
Tiếp nối dòng sự kiện, tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh toàn cầu được phát động trong tháng 11 năm 2016 mục tiêu tăng cường hiểu biết về thuốc kháng sinh cũng như khuyến khích các phương pháp thực hành tốt trong cộng đồng, của các cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế và các nhà hoạch định chính sách để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực y tế, chăn nuôi, thực phẩm, nông nghiệp cũng như thủy sản. Tại Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng đã diễn ra sôi nổi, tiêu biểu có thể kể đến Hội thảo chuyên đề về Kháng Kháng sinh của sáng kiến Chia sẻ thông tin nghiên cứu trong lĩnh vực Thú y tại Việt Nam (SHARE) do Viện Thú y tổ chức, Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch hành động của Việt Nam về giảm thiểu sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi” (do FAO ECTAD và Cục Thú y phối hợp thực hiện), thu thập một triệu cam kết sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm và hàng loạt các sự kiện phát động chiến dịch và thuyết trình khác của các nhà chuyên môn.
Có thể nói, kháng kháng sinh là một vấn đề phức tạp có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội và chịu tác động của rất nhiều yếu tố tổng hợp. Các biện pháp can thiệp mang tính đơn lẻ được xem là không có hiệu quả, do đó các nỗ lực phối hợp là rất quan trọng trong việc hạn chế việc xuất hiện và lan truyền của kháng kháng sinh. Hiện nay, bên cạnh các hỗ trợ kỹ thuật để các quốc gia xây dựng kế hoạch hành động về kháng kháng sinh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn phối hợp chặt chẽ cùng Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nhằm thúc đẩy áp dụng tiếp cận Một sức khỏe để tìm ra các biện pháp thực hành tốt nhất trong ứng phó với kháng kháng sinh, bao gồm việc sử dụng kháng sinh tối ưu ở cả hai ngành y tế và thú y. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc vào năm 2013. Các nỗ lực của quốc gia trong giai đoạn hiện nay được đánh giá là tích cực và mang tính cam kết mạnh mẽ, nhằm chung tay chống lại thực trạng kháng thuốc ở cấp toàn cầu./.