2016-07-05 17:19:15
Theo một báo cáo của Bộ Y tế, trong vòng 5 năm qua từ năm 2011-2015, mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó nghi mắc dại cắn và khoảng 90 người tử vong do bệnh dại. Số ca tử vong chủ yếu tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, đã có 10 ca tử vong được ghi nhận tại 10 tỉnh trên cả nước.
Một trong những hoạt động nổi bật trong thời gian qua có thể kể đến Hội thảo tham vấn xây dựng và hoàn thiện Chương trình quốc gia Phòng chống và Loại trừ Bệnh dại, giai đoạn 2016-2020 do FAO ECTAD Việt Nam phối hợp với Cục Thú Y tổ chức trong tháng 2/2016. Hội thảo đã đưa ra thảo luận “Phương pháp tiếp cận bậc thang hướng tới xóa bỏ bệnh dại” (SARE) của FAO và Liên minh toàn cầu phòng chống bệnh dại (GARC). Công cụ giúp xác định các khoảng trống trong công tác ngăn ngừa và phòng chống bệnh dại. Với các bài học rút ra được từ Chương trình Quốc gia giai đoạn 2011-2015 và các mô hình thí điểm ngăn ngừa và phòng chống bệnh dại do FAO ECTAD hỗ trợ, chương trình mới với mục tiêu xóa bỏ bệnh dại ở người đến năm 2020 và tập trung thực hiện 6 giải pháp: (a) Phối hợp liên ngành một sức khỏe; (b) Giải pháp văn hóa - xã hội; (c) Công tác truyền thông; (d) Giải pháp chính sách và thể chế; (e) Vận động nguồn lực; (f) Hợp tác quốc tế.
Để ứng phó với nguy cơ bệnh dại trong mùa hè này, vào ngày 9/5/2016, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công văn số 3596/BNN-TY gửi tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật. Theo đó, sự phối hợp giữa hai ngành y tế và thú y cần đặc biệt chú trọng trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở cấp trung ương cũng như địa phương. Bên cạnh đó, trong tháng 6/2016, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Y tế cũng đã phối hợp cho ra mắt bản Dự thảo số 8 “Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại ở Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2020” với những giải pháp cụ thể cho việc phòng chống dại, nhằm lấy ý kiến tham vấn lần cuối cho bản thảo này trước khi chính thức đệ trình phê duyệt.
Nằm trong các nỗ lực chung của quốc gia và cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam” do USAID tài trợ thông qua UNDP, Ban thư ký Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) đã điều phối thực hiện nghiên cứu về Ước tính tác động kinh tế của bệnh dại tại Việt Nam. Nghiên cứu này đã cung cấp những bằng chứng quan trọng để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách đồng thời cũng là một đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy Việt Nam đạt được mục tiêu không còn người chết do bệnh dại vào năm 2020.
Được biết, sự kiện Ngày thế giới phòng chống dại năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 28/9 tại hai tỉnh Nghệ An và Gia Lai, do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông Lương LHQ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cùng Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới phối hợp tổ chức.