Việt Nam

Các hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua nhằm ứng phó với tình trạng kháng thuốc

Các hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua nhằm ứng phó với tình trạng kháng thuốc

Việt Nam là một nước đang phát triển nhanh với nhu cầu về dịch vụ y tế ngày càng tăng theo dân số, cùng với đó là sự gia tăng và toàn cầu hóa sản xuất lương thực, cũng như tăng sản xuất thuốc trong nước và thương mại toàn cầu về các sản phẩm thuốc. Trong bối cảnh đó, quốc gia đã có nhiều nỗ lực áp dụng tiếp cận Một sức khỏe trong công tác phòng chống kháng thuốc, bao gồm việc ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kháng thuốc 2013-2020 (2013); Thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống kháng thuốc (2015); Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (2017),…

Nằm trong mối quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, một trong những vấn đề được ưu tiên đối với cả hai nước và toàn thế giới đó là công tác phòng chống kháng thuốc. Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và bền vững đối với vấn đề này. Đó cũng chính là cơ sở để Việt Nam được chọn là một trong những nước thí điểm của Quỹ Fleming - chương trình lớn nhất ở cấp toàn cầu về giám sát kháng thuốc. Quỹ hỗ trợ các quốc gia triển khai hệ thống giám sát kháng thuốc chất lượng cao và hài hòa, từ đó đóng góp cho Hệ thống Giám sát Kháng thuốc Toàn cầu (GLASS) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các nỗ lực khác nhằm giảm gánh nặng bệnh tật.

   

Hình 2: Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Cố vấn trưởng về Y tế của Chính phủ Anh - Bà Dame Sally Davies cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm Tham chiếu kháng thuốc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, ngày 5/2/2018 tại Hà Nội (Nguồn ảnh: https://twitter.com/AnnaPearsonUK)

Hình 3: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án Gắn kết ngành nông nghiệp và lương thực nhằm chống lại tình trạng kháng thuốc, ngày 27/2/2018 tại Hà Nội (Nguồn ảnh: http://www.fao.org/vietnam/news/)

Ngày 5/2/2018, trong chuyến công du đến Hà Nội để thực hiện các chương trình hợp tác giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực y tế, Cố vấn trưởng về Y tế của Chính phủ Anh - Bà Dame Sally Davies đã tham dự lễ khai trương Phòng thí nghiệm Tham chiếu kháng thuốc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đây là phòng thí nghiệm được xây dựng trong khuôn khổ dự án do Quỹ Flemming tài trợ. Trong chuyến thăm, Bà Davies đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được cũng như hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng, chống Kháng thuốc (2013-2020) trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh và Bắc Ailen thông qua Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) đã tài trợ cho dự án “Gắn kết ngành nông nghiệp và lương thực tại tiểu vùng Saharan ở Châu Phi, khu vực Nam Á và Đông Nam Á với nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe” với kết quả mong đợi nhằm giảm bớt sự phát triển và sự lây truyền vi sinh vật kháng thuốc giữa người và động vật, cũng như các yếu tố làm xuất hiện kháng kháng sinh qua chuỗi thức ăn và môi trường. Hội thảo khởi động dự án diễn ra vào ngày 27 tháng 2 năm 2018 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Vũ Văn Tám đã thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban thư ký Đối tác OHP, đại diện các tỉnh triển khai nghiên cứu (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Đồng Nai và Đắc Lắc) cùng các đối tác quốc tế khác (FAO, WHO, OUCRU, ILRI, USAID, ILRI, Đại sứ quán Anh,…). Dự án có thời hạn từ tháng 12/2017 đến hết tháng 3/2019.

Những nỗ lực trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công cuộc ứng phó với vấn đề kháng thuốc của quốc gia và góp phần tích cực cho nhiệm vụ quan trọng này ở cấp toàn cầu./.