Tiếp nối các hội nghị trước đó được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam (2015) và Jakatar, Indonesia (2016), Hội nghị lần thứ 3 đề ra mục tiêu tiếp tục rà soát tiến trình thực hiện kế hoạch hành động trong 2 năm vừa qua, đồng thời xác định bài học và các bước tiếp theo nhằm tăng cường và điều phối các năng lực dự phòng, giám sát, và ứng phó để giảm thiểu sự phát tán và lan truyền dịch bệnh từ động vật (bao gồm vật nuôi và động vật hoang dã) sang người. Hội nghị cũng giới thiệu một cơ chế điều phối mới đối với các quốc gia và các tổ chức tham gia vào sáng kiến.
Đại diện Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám. Đồng chủ trì Hội nghị có Ông Fuadi Darwis, Ban cố vấn cho Ủy ban Quản lý Thiên tai Quốc gia, Indonesia cùng Ông Papa Serigne Seck, Cố vấn kỹ thuật của Thủ tướng Senegal phụ trách hợp phần Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản. Hội nghị có sự góp mặt của gần 170 đại biểu, trong đó bao gồm 117 đại biểu đến từ 16 quốc gia khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ cùng 49 đại biểu đến từ 16 tổ chức quốc tế và trong nước. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thú y thế giới cùng các đối tác phát triển khác đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho Hội nghị.
Với chủ đề “Tăng cường hợp tác và chia sẻ phương thức tiếp cận hiệu quả”, sau hai ngày làm việc tập trung, Hội nghị đã hoàn thành 9 phiên với những kết quả quan trọng cũng như xác định các hoạt động nối tiếp trong thời gian tới, bao gồm:
· Thông qua bản Kế hoạch Chiến lược ZDAP cập nhật. Đây là một tài liệu quan trọng với các thông tin cơ sở, những điểm hạn chế và thách thức, các hoạt động kỳ vọng, thành tựu và kế hoạch ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia nhằm hướng đến đạt các mục tiêu cụ thể và tác động trong giai đoạn 5 năm như mong đợi của Gói Hành động ZDAP.
· Thông qua Cơ chế Điều phối ZDAP với vai trò như một cách tiếp cận thực tế và hiệu quả để tăng cường điều phối các hoạt động ZDAP, dựa trên các thành tựu có được cho đến hiện nay.
· Các quốc gia đi đầu, các quốc gia và tổ chức thành viên cùng các bên liên quan chủ chốt khác cần tiếp tục đảm bảo việc thực hiện Cơ chế Điều phối ZDAP thông qua việc: Các quốc gia đi đầu luân phiên giữ vai trò chủ trì; Duy trì và cập nhật danh sách các đầu mối ZDAP; Các Quốc gia đi đầu xác định thời hạn của các nhóm làm việc định kỳ; Tổ chức các cuộc họp trực tuyến định kỳ giữa các nước, tổ chức đi đầu và thành viên ZDAP và các đối tác; Tiếp tục tài liệu hóa các mô hình và thực hành tốt nhất và chia sẻ thông tin với các mạng lưới liên quan; Tổ chức Hội nghị ZDAP lần thứ 4 vào năm 2018 tại Senegal.
· Việc thực hiện Cơ chế Điều phối ZDAP và Kế hoạch Chiến lược ZDAP đòi hỏi sự tập trung và tham gia tích cực các quốc gia, tổ chức và đối tác của Gói Hành động ZDAP trong các hoạt động tiếp theo như: Tài liệu hóa và chia sẻ các mô hình tốt; Cập nhật các đầu mối ZDAP; Tham gia vào các Hội nghị trực tuyến cũng như tham dự Hội nghị Cấp cao của Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (tháng 10/2017) và Hội nghị ZDAP tiếp theo năm 2018 tại Senegal (trong vai trò mới là quốc gia đi đầu của Gói ZDAP).
Các kết quả tích cực Hội nghị Quốc tế ZDAP lần thứ 3 cũng như cam kết của các quốc gia ZDAP đã trở thành điểm sáng để lan tỏa tới các Gói Hành động khác của Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, tạo cơ hội hợp tác giữa các quốc gia trong việc thực hiện Chương trình nghị sự quan trọng này. Các thông tin về Hội nghị được đăng tải tại trang web chính thức của GHSA tại địa chỉ: https://www.ghsagenda.org/.