Chương trình EPT-2 xây dựng dựa trên quan hệ hợp tác và đối tác trong thập kỷ vừa qua giữa USAID và các đối tác, trong đó bao gồm những thành công trong phòng, chống cúm gia cầm, nhằm ngăn chặn và chống các bệnh mới nổi tại nguồn bệnh, gồm cả các bệnh có nguồn gốc từ động vật. Chương trình EPT-2 sẽ giúp hơn 20 quốc gia trọng tâm tại châu Á và châu Phi phát hiện các loại virut có nguy cơ phát triển thành đại dịch, nâng cao năng lực của các phòng xét nghiệm để hỗ trợ công tác giám sát, tăng cường năng lực quốc gia và địa phương để có thể ứng phó kịp thời và phù hợp, đồng thời hướng dẫn các biện pháp ngăn chặn tiếp xúc với những mầm bệnh nguy hiểm này.
Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, Chương trình EPT giai đoạn 1 đã làm việc và hỗ trợ nhiều cơ quan chính phủ như Cục Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cục Chăn nuôi trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng và các đơn vị khác trong ngành Y tế, để thực hiện một loạt những sáng kiến quan trọng trong công tác phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Kim Long cho biết “Sự hợp tác này đã thể hiện sự hợp nhất và mở rộng nỗ lực trước đó của các bên, cũng như sự phối hợp, xây dựng, củng cố và thúc đẩy các biện pháp tăng cường năng lực trong giám sát, phòng thí nghiệm, nghiên cứu, truyền thông và các lĩnh vực khác.”
Chương trình của USAID hiện đang được triển khai tại Việt Nam với hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cùng các đối tác khác trong 3 lĩnh vực dự án mới là PREDICT 2, Lực lượng Một Sức khỏe và Chuẩn bị và Ứng phó.
Được biết, từ năm 2005, USAID đã cung cấp hơn 60 triệu USD nhằm hỗ trợ các chương trình của Việt Nam để phòng, chống cúm gia cầm và các nguy cơ đại dịch khác.