Mục tiêu và Nhiệm vụ

KHUNG ĐỐI TÁC MỘT SỨC KHỎE PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI  

1. Mục tiêu của Khung Đối tác

Mục tiêu chung:

Giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật và môi trường sang người và kháng kháng sinh thông qua tăng cường phối hợp đa ngành "Một sức khoẻ".

Mục tiêu cụ thể

i) Tăng cường năng lực thể chế, nguồn nhân lực; Tạo khuôn khổ, diễn đàn cho đối thoại và phối hợp đa ngành nhằm giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh trong mối tương tác con người-động vật-hệ sinh thái;

ii) Giảm thiểu nguy cơ làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh mới từ động vật sang người do các tác động về sinh học, môi trường và hành vi của con người;

iii) Tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh và ngăn chặn kháng kháng sinh;

iv) Giảm thiểu tác động sức khỏe cộng đồng của các bệnh truyền lây từ động vật trọng tâm (được quy định trong Thông tư 16/16/2013/TTLT-BYT-BNN PTNT ngày 27/5/2013) và các bệnh tái nổi khác;

v) Tăng cường vận động, huy động nguồn lực cho phục hồi, tái thiết và kiểm soát rủi ro do dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và tái nổi gây ra.

vi) Tăng cường kiểm soát và xử lý các các yếu tố/tác nhân trong môi trường có khả năng tác động đến sức khỏe con người.

2. Nguyên tắc hoạt động

i) Đối tác Một sức khỏe không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Khung Đối tác này phản ánh cách tiếp cận toàn diện, liên ngành, đa lĩnh vực do các Bộ thuộc Chính phủ quản lý, chủ trì là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều phối, hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành nhà nước, các địa phương và các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và khối tư nhân.... Việc ký kết Khung Đối tác không cấu thành nghĩa vụ tài trợ của bất cứ thành viên nào;

ii) Đối tác là một thiết chế mở, ngoài những thành viên do cơ quan thuộc Chính phủ và các Đối tác quốc tế và trong nước, sẵn sàng kết nạp thêm các thành viên khác trên cơ sở tự nguyện, thể hiện mong muốn hợp tác nhằm hỗ trợ, hiện thực hóa các chủ trương, chiến lược và kế hoạch vv… trong khuôn khổ các mục tiêu đã quy định tại mục II.1 của Thỏa thuận Khung này.

iii) Đối tác chấp nhận các nguyên tắc của "Quan hệ đối tác hiệu quả Busan"(2011), và Đối tác toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả (the Global Partnership for effective Development Co-operation) nhấn mạnh các nguyên tắc: Quốc gia làm chủ, hoạt động dựa trên kết quả, có sự tham gia của các đối tác phát triển, công khai, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, minh bạch và đồng chịu trách nhiệm;

iv) Đối tác mang tính kế thừa, dựa trên những thành tựu đã đạt được trong các hoạt động liên quan đến Một sức khoẻ của các thành viên MSK và các đối tác phát triển, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liên quan đến động, thực vật và động vật hoang dã, Bộ Y tế liên quan đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến sức khỏe của môi trường và hệ sinh thái và các đối tác trong nước khác;

v) Việc thực hiện các chương trình, dự án, nghiên cứu và các hoạt động khác trong khuôn khổ Kế hoạch Một Sức Khỏe quốc gia hay các kế hoạch tổng thể khác của Đối tác sẽ được từng thành viên hoặc một số thành viên thực hiện dựa trên cơ chế, quy định và nguồn lực huy động từ các nguồn khác. Khi hoạt động của Đối tác mở rộng và có thể nhận được hỗ trợ, đóng góp tài chính của các Đối tác cho các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực sẽ được phê duyệt theo quy định của nhà tài trợ hoặc quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan.

vi) Đối tác sẽ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, đặt trọng tâm dài hạn vào việc xây dựng năng lực cho các Bộ, các cơ quan của Chính phủ, một số địa phương trọng điểm theo cách tiếp cận Một sức khỏe. Ngoài ra, tùy theo diễn biến của các dịch bệnh mới nổi, các hành động ưu tiên, nguồn lực và cơ chế điều phối có thể được điều chỉnh phù hợp.

3. Chức năng cụ thể của Đối tác

a) Tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành và các tổ chức quốc tế, đóng góp vào việc hỗ trợ, thực hiện, triển khai các Luật Thú y, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Môi trường và các Luật, Nghị định, Thông tư khác… vv... có liên quan tới bệnh lây truyền từ động vật sang người; xây dựng chiến lược và kế hoạch Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người thông qua Diễn đàn Một sức khỏe thường niên cùng các cuộc họp và hoạt động khác của Đối tác nhằm:

- Chia sẻ thông tin và xác định các cơ hội tăng cường điều phối các hoạt động trong khuôn khổ tổng thể OHSP và các chiến lược/lộ trình Một Sức Khỏe quốc gia có thể được xây dựng trong tương lai, bao gồm thảo luận kết quả của công tác giám sát tổng thể tiến độ của các hoạt động thực hiện những công việc quan trọng do kế hoạch hoặc chiến lược đề ra;

- Khảo sát, đánh giá và xác định các kết quả nghiên cứu quan trọng dùng cho xây dựng và thực thi các chính sách Một sức khỏe. Cơ chế tập hợp và sử dụng các chuyên gia kĩ thuật, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu nhằm xác định các vấn đề trọng tâm được ưu tiên nghiên cứu, chia sẻ và thảo luận kết quả nghiên cứu, ủng hộ và hỗ trợ việc xây dựng các chính sách Một sức khỏe dựa trên thực tiễn của Việt Nam;

- Đóng góp vào công cuộc quản trị tri thức và chia sẻ thông tin Một sức khỏe bằng cách chia sẻ thông tin về chính sách, các chương trình và hoạt động nghiên cứu (bao gồm việc xây dựng Ma trận dự án, các lĩnh vực tác động và chương trình Một sức khỏe tại Việt Nam), các báo cáo và công cụ, thông tin về diễn biến dịch bệnh, truyền thông nguy cơ cùng các hoạt động quản trị tri thức và chia sẻ thông tin khác;

- Đẩy mạnh hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Một sức khỏe, trọng tâm cho khu vực và cấp tỉnh ở Việt Nam;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện và xúc tác thúc đẩy hợp tác Một Sức Khỏe cấp khu vực và quốc tế thông qua việc hỗ trợ Việt Nam trong việc chủ trì và tham gia vào các Chương trình hợp tác Một Sức Khỏe khu vực và toàn cầu, các mạng lưới và sự kiện kỹ thuật, đóng góp vào việc chia sẻ, học hỏi từ tiếp thu thông tin, kinh nghiệm và thực hành.

b) Tăng cường hệ thống chia sẻ thông tin Một sức khỏe giữa các cơ quan Chính phủ, đối tác quốc tế và các bên liên quan khác thông qua tăng cường hoạt động của website của Đối tác MSK, bản tin quý và các hoạt động truyền thông khác;

c) Tăng cường huy động nguồn lực, kiến thức, tài chính và các nguồn lực khác từ Chính phủ, các nhà tài trợ, tổ chức học thuật, các tổ chức tư nhân và xã hội…vv… cho việc thực hiện chiến lược, lộ trình hoặc kế hoạch thực hiện Khung Đối tác Một sức khỏe có thể được xây dựng trong tương lai;

4. Cấu trúc của Đối tác

Đối tác Một sức khỏe bao gồm Ban lãnh đạo Đối tác bao gồm các đồng Chủ tịch;  Ban thư ký; Tổ công tác điều phối đa ngành, Văn phòng dự án, Diễn đàn Đối tác Một sức khỏe, các tổ công tác chuyên ngành, các nhóm tham vấn kỹ thuật thuê tuyển ngắn hạn.

4.1. Ban chỉ đạo Đối tác

- Đồng Chủ tịch: Lãnh đạo của 03 Bộ: Nông nghiệp và PTNT; Y Tế; Tài nguyên và Môi trường

- Nhiệm vụ và chức năng:

+ Chỉ đạo việc lập kế hoạch vận động chính sách, hợp tác quốc tế, quyết định phân bổ ngân sách và kêu gọi các nguồn lực trong nước và quốc tế thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành mình trong khuôn khổ hoạt động Đối tác Một sức khoẻ tại Việt Nam;

+ Định hướng các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực khi có bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người và động vật;

+ Phê duyệt các kế hoạch, hoạt động, chương trình… thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành mình trong khuôn khổ Đối tác Một sức khoẻ;

+ Chủ trì các diễn đàn Một sức khỏe thường niên của Đối tác;

+ Đảm bảo các hoạt động của Đối tác phù hợp với định hướng của cơ chế chỉ đạo quốc gia về Một sức khoẻ.

4.2. Tổ công tác điều phối liên ngành

- 01 Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổ trưởng); 

- 01 Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Tổ phó)

- 01 Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và  Môi trường.

- 01 Lãnh đạo Cục Thú y; Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- 01 Lãnh đạo Cục Chăn nuôi; Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Nhiệm vụ:  

  • Là tổ phối hợp liên ngành giúp Ban chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động Thỏa thuận khung và các văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành với các Đối tác quốc tế về Một sức khỏe; Quản lý, tư vấn và chỉ đạo về kỹ thuật chuyên ngành có liên quan.

4.3. Thành viên Đối tác

- Các Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ;

- Đại diện Ủy ban Nhân dân một số tỉnh;

- Các đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam;

- Các tổ chức giảng dạy, nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến Một sức khỏe;

- Khối doanh nghiệp và khối tư nhân, các Liên Hiệp hội, Hiệp hội và Hội liên quan;

- Các cơ quan truyền thông, báo chí;

- Đại diện các tổ chức thực thi Công ước quốc tế như IHR (2005), OIE, CITES, v.v...

Nhiệm vụ của Thành viên:

- Thành viên tham gia thể hiện mong muốn hợp tác hiệu quả theo mục tiêu và phương pháp tiếp cận của Khung Đối tác;  

- Các Thành viên được khuyến khích tham gia, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn và tài chính cho các chương trình, dự án và các hoạt động có liên quan của Đối tác;

- Thành viên Đối tác cũng sẽ tham gia vào diễn đàn thường niên của Đối tác cũng như các phiên họp hàng quý của Tổ công tác chuyên ngành và hoạt động của các nhóm chuyên đề trên cơ sở tự nguyện.

4.4.  Diễn đàn Một sức khoẻ

Diễn đàn Một sức khỏe sẽ được tổ chức tối thiểu một lần mỗi năm, trong trường hợp cần thiết Ban chỉ đạo Đối tác có thể triệu tập bổ sung.

Diễn đàn chủ yếu là đối thoại chính sách Một sức khỏe, bàn bạc và quyết định những chiến lược hoặc kế hoạch hoạt động của Đối tác trong năm.

Ban thư ký chịu trách nhiệm tổ chức Diễn đàn Một sức khỏe thường niên.

4.5. Các Tổ công tác chuyên ngành (TWG) và nhóm nghiên cứu chính sách và kỹ thuật

Theo nhu cầu và tình hình thực tế, một trong 03 Chủ tịch Đối tác MSK sẽ thành lập các Tổ công tác chuyên ngành do Lãnh đạo Cục chuyên ngành của các Bộ và đối tác quốc tế chủ chốt tương ứng đồng chủ trì. Các Tổ công tác sẽ họp định kỳ theo quý để thảo luận, rà soát tiến độ thực hiện và kiến nghị các kế hoạch thực hiện các lĩnh vực trọng tâm đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đối tác những vấn đề phát sinh, bất cập cần sự chỉ đạo cấp cao.

Trưởng Ban thư ký Đối tác có thể thành lập các nhóm nghiên cứu chính sách và kỹ thuật theo chuyên đề do thực tiễn hoạt động yêu cầu. Các nhóm này sẽ tự động giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Mạng lưới truyền thông Một sức khoẻ (OHCN) và mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo (VOHUN) sẽ tiếp tục hoạt động với tư cách là nhóm công tác chuyên đề của Đối tác. 

4.6. Ban thư ký  

Theo thống nhất giữa các Bộ, Văn phòng Ban Thư ký đặt tại Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ban Thư ký chịu trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo, Tổ công tác điều phối liên ngành triển khai toàn bộ các công việc theo kế hoạch hàng năm đã được duyệt.

Chức năng của Ban Thư ký

Văn phòng Ban Thư ký sẽ được Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập và thuộc Vụ Hợp tác quốc tế, chịu trách nhiệm hỗ trợ Đối tác thực hiện các hoạt động dựa trên các hoạt động công tác hàng năm đã được phê duyệt và các hoạt động cam kết với các đối tác trong khuôn khổ chương trình, dự án với các Đối tác, cụ thể:

  • Làm đầu mối điều phối các hoạt động Một sức khỏe của các Bộ ngành và các thành viên quốc tế và trong nước;

- Kết nối, thảo luận với các thành viên đối tác trong việc thiết lập chiến lược, kế hoạch cùng các hoạt động liên quan đến Một sức khỏe và kế hoạch thực hiện;

- Lập kế hoạch và phân bổ tài chính hàng năm cho các hoạt động của Đối tác;

- Tổ chức các Diễn đàn Một sức khỏe thường niên và các cuộc họp kỹ thuật, chính sách khác…. ;

- Hỗ trợ và phổ biến kết quả của các nhóm nghiên cứu chính sách và kỹ thuật ngắn hạn;

- Lập, trình duyệt và chia sẻ các báo cáo hàng năm theo định kỳ về các hoạt động của Đối tác;

- Thiết lập và quản lý hệ thống thông tin của Đối tác (trang web, bản tin v.v...);

- Thực hiện và hỗ trợ các hoạt động hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế liên quan đến MSK.

- Quản lý tài sản và các nguồn tài chính của Đối tác;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo Đối tác giao.

Quyền hạn của Ban thư ký

- Ban Thư ký được hợp đồng với các cán bộ, chuyên gia có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ cho Ban chỉ đạo và chức năng của Ban Thư ký và các yêu cầu trong khuôn khổ các cam kết, thỏa thuận, chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, kỹ thuật của các nhà tài trợ/Đối tác Một sức khỏe.

- Sử dụng phương tiện của cơ quan chủ quản để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

- Thủ trưởng cơ quan có thành viên tham gia Ban Thư ký có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, thời gian, phương tiện để thành viên Ban Thư ký thuộc cơ quan mình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

- Đề xuất Bộ (các Bộ) thành lập Văn phòng quản lý dự án (hoặc Ban quản lý dự án) khi có các dự án/chương trình hợp tác.  

Đối tác & dự án

Bản đồ