Việt Nam

Hội nghị PMAC 2018 – Nỗ lực toàn cầu vì một thế giới an toàn trước các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm mới nổi

Hội nghị PMAC 2018 – Nỗ lực toàn cầu vì một thế giới an toàn trước các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm mới nổi

Các bệnh truyền lây từ động vật sang người và các bệnh liên quan đến Kháng kháng sinh là nguyên nhân của hơn 95% tất cả các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi được ghi nhận trong nửa sau của thế kỷ 20. Trong thế kỷ này, sự nổi lên của SARS, cúm đại dịch, MERS, cùng sự lây lan của Ebola và Zika đã cho thấy tính dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng của thế giới trước những mối đe dọa dịch bệnh mới có nguồn gốc từ động vật. Sự xuất hiện đồng thời của các mầm bệnh kháng lại thuốc kháng sinh đã cho thấy viễn cảnh của một thế giới trong thời kỳ “hậu kháng sinh”.

Mặc dù sự nổi lên của các dịch bệnh có nguồn gốc động vật và bệnh do kháng thuốc là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân phức tạp, nhưng con người cùng những hành vi tác động đến các loài động vật và môi sinh vẫn được coi là yếu tố trọng tâm có ảnh hưởng đến sự xuất hiện của cả hai loại dịch bệnh này. Trước tình hình đó, cần áp dụng tiếp cận Một sức khỏe một cách toàn diện để giảm thiểu các rủi ro và ứng phó với dịch bệnh phát sinh trực tiếp trong mối tương tác giữa con người – động vật, cũng như các hệ lụy khác liên quan đến biến đổi môi trường và khí hậu. Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) cùng sáng kiến Một sức khỏe là những khuôn khổ quan trọng giúp điều phối các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề này.

Hình 1. Hội nghị PMAC 2018 tại Bangkok, Thái Lan với chủ đề “Giúp Thế giới An toàn trước những Mối đe dọa Bệnh Truyền nhiễm Mới nổi” (Nguồn ảnh: https://asia.ilri.org/)

Hội nghị Giải thưởng Hoàng tử Mahidol (PMAC) 2018 đưa ra một khung khổ quan trọng để thúc đẩy các chính sách và hành động mang tính chiến lược, với sự tham gia của 1200 chuyên gia đến từ 85 quốc gia trên thế giới. Đây là dịp hội tụ của các chuyên gia đa ngành về bệnh truyền lây và kháng kháng sinh, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực môi trường khác thuộc khối công - tư, các tổ chức, quỹ, viện nghiên cứu quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những thành viên quan trọng của Chương trình GHSA.

Tại Hội nghị, Tuyên bố Bangkok đã kêu gọi hành động ở cấp toàn cầu, trong đó:

  • Các hành động này cần được xây dựng trên cơ sở tầm nhìn sâu rộng đi theo định hướng cam kết mới để ứng phó vớ các mối nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và kháng kháng sinh; đồng thời thống nhất và củng cố các cam kết trong Chương trình Phát triển Bền vững đến năm 2030 đối với tất các các quốc gia, cũng như Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Kháng kháng sinh năm 2016.
  • Đổi mới các nỗ lực để xây dựng các chính sách và khuôn khổ pháp lý trong việc giải quyết trực tiếp công tác ứng phó mang tính đa ngành đối với bệnh truyền nhiễm mới nổi và kháng kháng sinh.
  • Tiếp cận các khu vực công - tư và xã hội dân sự để khai thác triệt để sức mạnh tập thể của các khối này nhằm tạo ra sự thay đổi; đầu tư vào nghiên cứu để phát triển các biện pháp ứng phó cũng như công nghệ y tế mới, giá cả phải chăng và hiệu quả hơn để ngăn ngừa, chẩn đoán, điều trị và giảm thiểu tác động của các mối đe dọa dịch bệnh; đảm bảo tuyệt đối lợi ích xã hội đối với đầu tư công, bảo vệ an ninh cho toàn dân và đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
  • Đầu tư và thúc đẩy các cách tiếp cận "toàn xã hội" để đảm bảo các chiến lược và năng lực dự phòng được chuẩn bị đầy đủ cho việc phát hiện, ứng phó và giảm nhẹ tác động của các mối đe dọa về sức khoẻ đang nổi lên trên toàn cầu. Nỗ lực này có thể được hiện thực thông qua việc thiết lập và tăng cường mối quan hệ giữa ngành y tế và các ngành phi y tế, các chính sách và biện pháp thực thi đa ngành nhằm dự phòng hiệu quả và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc sử dụng hợp lý các nguồn tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ hệ thống củng cố và phục hồi xã hội cũng có ý nghĩa rất quan trọng./.