Việt Nam

Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam – pha 2” (SCOH-2)

Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam – pha 2” (SCOH-2)

Như đã nêu trong Khung Đối tác Một Sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) ký kết tại Hà Nội giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong nước và quốc tế vào ngày 01/03/2016, một trong những mục tiêu của Đối tác OHP là giúp cung cấp các khuyến nghị về chính sách, chiến lược và nghiên cứu về Một Sức khỏe tại Việt Nam cho cấp ra quyết định. Đây cũng là cơ sở để tăng cường năng lực thể chế trong triển khai các hoạt động Một Sức khỏe nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thống nhất với mục tiêu trên, dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một Sức khỏe tại Việt Nam, Pha 2” (SCOH-2) đưa ra mục tiêu hỗ trợ chính sách, nghiên cứu và các hoạt động thực tế về Một sức khỏe trong đó có liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm mới nổi và nguy hiểm. Theo đó, Dự án SCOH-2 sẽ ủy quyền thực hiện các nghiên cứu. Trong đó, dự án sẽ cung cấp hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính, dưới sự chỉ đạo của Nhóm Cố vấn Kỹ thuật (TAC) nhằm thực hiện các nghiên cứu trên. Nhóm TAC bao gồm các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật ở các cơ quan trong nước cùng các cộng sự đến từ các tổ chức quốc tế là thành viên của OHP. Cũng giống như pha trước của dự án, hoạt động nghiên cứu trong khuôn khổ SCOH-2 hướng đến mục tiêu bổ sung, mở rộng, đồng thời tránh sự chồng chéo và trùng lặp với các hoạt động nghiên cứu Một Sức khỏe của các thành viên OHP và các cơ quan, tổ chức khác.

Cuộc họp nhóm TAC lần thứ nhất trong khuôn khổ dự án SCOH2 được tổ chức ngày 6/2/2018 tại Hà Nội (Nguồn ảnh: Văn phòng OHP)

Ngày 6/2/2018, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của nhóm TAC với mục tiêu làm rõ phạm vi và cách tiếp cận để triển khai các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách trong khuôn khổ dự án, đồng thời xác định và đưa ra các đề tài khả thi và câu hỏi nghiên cứu.

Sau cuộc họp, nhóm TAC đã thống nhất một số vấn đề quan trọng bao gồm:

  • Tiếp tục tìm hiểu và xác định các nhà hoạch định chính sách có liên quan ở Việt Nam, bao gồm vai trò của các cơ quan dân cử như Quốc Hội và Ủy Ban nhân dân, nhóm làm việc trong các Ủy ban thường trực có liên quan, … Đây là nhóm đối tượng quan trọng và chủ chốt bởi kinh nghiệm cho thấy họ sẵn sàng tiếp nhận các kết quả và khuyến nghị nghiên cứu phù hợp để có thông tin cho việc xây dựng chính sách và các hoạt động về luật pháp có liên quan.
  • Trong  phạm vi hoạt động nghiên cứu của dự án SCOH-2, xem xét tổ chức các hội thảo kết nối chuyên gia và trao đổi thông tin về các chủ đề được quan tâm, ví dụ như áp dụng các sáng kiến do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (CIRAD) xây dựng hay chia sẻ từ các nghiên cứu khác.
  • Xem xét việc đào tạo/hướng dẫn cho các thành viên Đối tác OHP về cách xây dựng và phổ biến tóm tắt chính sách một cách hiệu quả.
  • Tìm kiếm thêm cơ hội liên kết với các đối tác mới và các sáng kiến hiện hành. Có thể cân nhắc nhóm đối tượng sinh viên trong các trường đại học có mong muốn tham gia nghiên cứu.
  • Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa nguồn vốn cho hoạt động nghiên cứu đồng thời đạt hiệu quả chính sách cao nhất, dự án cân nhắc khả năng tập trung vào một vấn đề chính sách chung trong đó bao hàm các vấn đề nghiên cứu chủ chốt (như Kháng kháng sinh, phòng chống dại, Một sức khỏe và môi trường,…).

Các kết quả nghiên cứu sau đó sẽ tiếp tục được phổ biến và vận động cho công tác xây dựng chính sách thông qua việc cập nhật trong các bản tin Quý, website, các cuộc họp thành viên Đối tác Một Sức khỏe, hội thảo “Từ Nghiên cứu đến Chính sách”, Diễn đàn Một Sức khỏe thường niên, báo cáo thường niên về tiến độ thực hiện Chiến lược Một Sức khỏe quốc gia (2016-2020), cũng như các báo cáo trình lãnh đạo hai Bộ, các nhà tài trợ và đối tác liên quan./.