Việt Nam

Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) được cam kết mở rộng đến năm 2024

Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) được cam kết mở rộng đến năm 2024

Mặc dù còn hạn chế về mặt nguồn lực, Uganda thuộc nhóm các nước năng động và thành công nhất trong việc triển khai Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) tại Châu Phi kể từ khi chương trình này được khởi động vào năm 2014. Đó là lý do quốc gia này được lựa chọn là nơi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng cấp cao lần thứ 4 của chương trình GHSA từ ngày 25-27 tháng 10 năm 2017 tại thành phố Kampala với chủ đề: “An ninh Y tế cho toàn xã hội: Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và khối doanh nghiệp”. 

Hội nghị bao gồm 5 phiên họp chung về tiến trình GHSA và định hướng tài chính sau năm 2018; 6 phiên thảo luận chuyên sâu cho các vấn đề ưu tiên và một ngày tham quan thực địa. Hội nghị đã đề ra các mục tiêu hết sức cụ thể bao gồm:

·        Nâng cao tính tự chủcủa quốc gia, tăng cường hợp tác liên ngành và thúc đẩy tích hợp an ninh y tế trong các chương trình mang tính chất thường xuyên ở các nước.

·        Khuyến khích các quốc gia mở rộng phạm viđể thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, khối doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và đối tác phát triển khác trong chương trình GHSA.

·        Chia sẻ các thực hành tốttrong việc duy trì và phát triển chương trình GHSA ở cấp quốc gia, địa phương và cộng đồng.

Kết thúc hai ngày làm việc, một bản tuyên bố chung của các Bộ trưởng đã được đưa ra, trong đó ghi nhận thành tựu to lớn của các nước trong việc phát triển năng lực an ninh y tế ở cấp quốc gia kể từ khi chương trình GHSA được khởi xướng, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Chương trình này trong việc thúc đẩy các thành tựu chung giữa các nước. Trên cơ sở đó, Hội nghị cam kết tiếp tục các hoạt động thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu, đồng thời sẽ hỗ trợ để mở rộng Chương trình này đến năm 2024 nhằm tăng cường thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (2005). Để đảm bảo sự hiểu biết chung và rõ ràng về phương hướng thực hiện chương trình nghị sự giữa các nước, Nhóm chỉ đạo GHSA sẽ xây dựng một bản đề cương phạm vi công việc, mục tiêu cụ thể và phương hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo, dựa trên sự tham vấn đối với tất cả các Quốc gia thành viên, các cố vấn và tổ chức có quan tâm. Bản đề xuất dự kiến sẽ được đệ trình tại cuộc họp cấp cao GHSA vào năm 2018 được tổ chức tại Indonesia.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Việt Nam, Indonesia và Senegal với vai trò các quốc gia đi đầu của Gói Hành động phòng chống bệnh lây truyền từ động vật (ZDAP) đã tổ chức một cuộc họp bên lề với mục tiêu rà soát các kết quả đạt được của Gói hành động ZDAP cũng như phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Một số đề xuất chính được đưa ra tại cuộc họp này bao gồm: (i) Tăng cường sự tham gia của đại diện các Gói Hành động khác của chương trình GHSA trong các hoạt động ZDAP sắp tới, nhằm thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin; (ii) Vấn đề Kháng kháng sinh và bệnh truyền lây từ động vật sang người được coi là có mối liên hệ qua lại, do đó kháng kháng sinh được đề xuất bổ sung vào Kế hoạch hành động ZDAP; (iii) Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để chuyển giao vai trò nước đăng cai tổ chức Hội nghị ZDAP lần thứ tư cho Senegal vào năm 2018. Theo lộ trình này, đến nay, Việt Nam đã chính thức hoàn thiện các thủ tục chuyển giao cho Chính phủ Senegal.

Tại sự kiện này, ZDAP được đánh giá là một trong những Gói Hành động hiệu quả và thành công nhất của 11 Gói Hành động của Chương trình GHSA, đặc biệt là sau tiếng vang của hội nghị ZDAP do Việt Nam tổ chức vào tháng 8/2017 tại Đà Nẵng. Với Tuyên bố các Bộ trưởng Kampala, Chương trình GHSA được mở rộng đến 2024 là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp tục tham gia và phát huy vai trò nước đồng dẫn đầu Gói ZDAP, đóng góp vào các nỗ lực chung vì một thế giới an toàn hơn trước các dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm./.