Việt Nam

TIN VẮN QUÝ IV/2017

TIN VẮN QUÝ IV/2017

1. Ngày 19/10/2017, Giáo sư Yoshihiro Kawaoka, Trường Đại học Tokyo, đã công bố kết quả của nhóm nghiên cứu về chủng vi rút cúm A(H7N9) có thể lây truyền và gây chết ở động vật.Đây là kết quả sau khi nghiên cứu về mẫu bệnh phẩm phân lập từ một bệnh nhân tử vong do cúm A(H7N9) vào đầu năm 2017. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đã phát hiện đoạn gien có thể lây truyền và gây chết trên loài chồn (một loại động vật có thể chỉ điểm lây nhiễm sang người). Chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể nhân lên hiệu quả ở trên chuột, chồn và một số loài linh trưởng. Tất cả vi rút lây nhiễm trong số các con chồn thông qua các giọt nước bọt bắn tới các điểm biến thể nhạy cảm neuraminidase đã làm chết một số con vật bị nhiễm và có tiếp xúc gần. Hiện tượng này xảy ra cả ở con vật lây nhiễm đầu tiên và những con vật khác khỏe mạnh có tiếp xúc gần với con vật bị nhiễm bệnh. Đây là trường hợp đầu tiên chủng vi rút cúm A độc lực cao lây truyền giữa các con chồn và làm chúng tử vong. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch và cần được theo dõi một cách chặt chẽ. Đến nay, nước ta vẫn chưa phát hiện vi rút cúm A(H7N9) cả ở trên gia cầm cũng như ở người. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với các chuyên gia của WHO, FAO theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh (Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng)./.

2. Ngày 26-27/9/2017, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Thú y và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Những nghiên cứu về cúm ở góc độ tương tác giữa người và động vật và những bệnh chung khác, giai đoạn 2012 - 2017”. Dự án được thực hiện từ tháng 10/2012 – 9/2017 đã mang lại nhiều tác động tích cực cho Ngành Thú y Việt Nam, nhất là cho công tác phòng, chống bệnh chung giữa người và động vật, cụ thể: (1) Tổng cộng  có trên 1.500 lượt cán bộ thú y và cán bộ y tế của các cơ quan địa phương và Trung ương được đào tạo, tập huấn; (2) Năng lực dịch tễ và năng lực, trang thiết bị phòng thí nghiệm về Cúm gia cầm và bệnh Dại của các cơ quan thú y Trung ương và địa phương đã được cải tiến đáng kể; (3) Tổ chức triển khai rất thành công nhiều nghiên cứu giám sát bệnh cúm ở người, lợn (tại lò mổ) và ở lợn và gia cầm (tại các hộ, trang trại chăn nuôi và chợ buôn bán gia cầm) tại các vùng chăn nuôi trọng điểm và có nguy cơ cao về bệnh cúm và bệnh dại ở động vật; (4) Hỗ trợ tham các chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, tham dự các hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế rất quan trọng về Cúm gia cầm và bệnh Dại được tổ chức tại Việt Nam và các nước trên thế giới; (5) Củng cố vai trò, sự tin cậy trong hợp tác do đó đã thiết lập và ký Thỏa thuận ghi nhớ hợp tác dài hạn giữa Cục Thú y Việt Nam và CDC của Hoa Kỳ; (6) Từng bước hỗ trợ các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc tham quan, tiếp cận và học tập về những công nghệ và kỹ thuật phục vụ cho chương trình hiện đang được rất ưu tiên của Bộ NN&PTNT về nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng các bệnh quan trọng cho đàn vật nuôi của Việt Nam. Với những kết quả quan trọng đã đạt được, cũng như việc tổ chức có hiệu quả Dự án giai đoạn 2012 – 2017, trên cơ sở đề xuất của Cục Thú y, CDC Hoa Kỳ đã quyết định phê duyệt Dự án mới (giai đoạn từ tháng 10/2017 – 9/2022), với các hoạt động chính sau: (i) Chủ động giám sát bệnh cúm và bệnh dại; (ii) Hỗ trợ đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu và tăng cường năng lực dịch tễ, phòng thí nghiệm xét nghiệm bệnh cúm và bệnh dại và (iii) Hỗ trợ tổ chức nghiên cứu và sản xuất vắc xin thương mại để phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Thông tin từ Cục Thú y/Bộ NN&PTNT)./.

3. Ngày 25/10/2017, cuộc họp nhóm lần thứ 6 của Nhóm công tác An toàn thực phẩm (Food Safety Working Group)đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, các đối tác phát triển cùng nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Cuộc họp định kỳ lần thứ 6 của nhóm tập trung chia sẻ về công tác triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống Kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, 2017-2020, cũng như khuyến khích sự tham gia của khối doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc giảm sử dụng kháng sinh nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc. Một trong những định hướng đề xuất mà nhóm đưa ra bao gồm: xác định các khoảng trống trong nhận thức để có sự can thiệp phù hợp, tăng cường truyền thông cho cộng đồng và các bên liên quan về vấn đề kháng kháng sinh để kêu gọi hành động toàn diện từ tất cả các nhóm đối tượng, và đưa ra những hướng dẫn cụ thể hơn cho người chăn nuôi. Các kết quả và khuyến nghị chính sau cuộc họp bao gồm: (i) Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp tham gia nhóm FSWG, (ii) Các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp giải quyết vấn đề kháng kháng sinh trên thủy sản, vật nuôi, cụ thể hơn là đưa ra các giải pháp thay thế cho kháng sinh, (iii) Người tiêu dùng, các tổ chức và nhóm dân sự xã hội nên được tham gia hiệu quả hơn vào việc thực hiện Kế hoạch phòng chống kháng thuốc và (iv) Cần tiến hành thu thập các chứng cứ để hiểu rõ về việc cấm sử dụng kháng sinh đối với những người sản xuất. Cuộc họp định kỳ tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1/2018./.

4. Nhân kỷ niệm 10 năm hợp tác giữa Viện Thú y (NIVR), Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), buổi làm việc tổng kết giữa 3 cơ quan đã được tổ chức vào ngày 19 tháng 10 năm 2017 với mục tiêu rà soát các dự án và nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực Một sức khỏe và Sức khỏe sinh thái của 3 tổ chức cùng các đối tác có liên quan. Kết quả thảo luận đặt ra câu hỏi làm sao để truyền thông tốt hơn các kết quả nghiên cứu đến những nhà vận động chính sách, cũng như tăng cường hợp tác sâu rộng và hiệu quả trong những dự án trong tương lai. Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Việt Hùng – Điều phối viên khu vực Đông và Đông Nam Á của ILRI cho biết, có 3 trụ cột chính của các nghiên cứu và can thiệp trong lĩnh vực Một sức khỏe bao gồm: an toàn thực phẩm, bệnh truyền lây từ động vật sang người và môi trường. Thông qua việc rà soát các kết quả nghiên cứu và hợp tác trong 10 năm qua, các cơ quan kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác và giới thiệu các kết quả nghiên cứu đến mạng lưới các đối tác, nhằm tăng cường vận động chính sách trong lĩnh vực Một sức khỏe./.